00:00 Số lượt truy cập: 3066471

Diễn biến dịch cúm gia cầm tại Việt Nam:Nguy cơ dịch lan ra miền Bắc 

Được đăng : 03/11/2016
• Đà Nẵng: Chủ động trước nguy cơ tái bùng phát dịch.
• Quảng Nam: Nhiều người dân vẫn tỏ ra... "khinh dịch".
• ĐBSCL: Thái độ chủ quan phổ biến nhất là việc tái đàn trái phép.
• Miền Bắc: Nguy cơ bùng phát cao tại các tỉnh biên giới và Đồng bằng sông Hồng.
• WHO đề nghị giám sát lại các gia đình từng mắc H5N1.
• 4 ca nghi nhiễm H5N1 ở huyện Năm Căn đều âm tính.


Chỉ sau ít tuần tái xuất hiện, dịch cúm gia cầm đang hoành hành tại hàng chục huyện trên địa bàn nhiều tỉnh Nam Bộ. Cùng với tình trạng virus cúm lưu hành rộng tại nhiều địa bàn, nguy cơ tái phát cúm gia cầm đang đe dọa hàng loạt tỉnh trên cả nước.

Dịch xuất hiện ngày càng nhiều

Cho đến ngày 3.1, dịch cúm gia cầm vẫn đang tiếp tục hoành hành trên địa bàn 27 xã, phường của 14 huyện thuộc 3 tỉnh Nam Bộ gồm Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang với mật độ các ổ dịch xuất hiện ngày càng nhiều. Cũng trong thời gian này, cơ quan thú y tỉnh Hậu Giang cũng phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm khác tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, với các kết quả xét nghiệm khẳng định đàn gia cầm dương tính với virus cúm H5N1.

Ngoài ba tỉnh ĐBSCL đang có dịch cúm gia cầm, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm lo ngại dịch có thể lan rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh Nam Bộ, do tỉ lệ lưu hành virus cúm trên thuỷ cầm cao. Mới đây nhất, Cơ quan Thú y vùng TPHCM chính thức khẳng định, có đến 73% số mẫu xét nghiệm gia cầm trong tổng số 30 mẫu lấy tại Quảng Nam dương tính với virus H5 và 2 mẫu khác bị nghi ngờ nhiễm virus này.

Các kết quả kiểm tra cho thấy, mối lo ngại tỉ lệ virus lưu hành trong đàn vịt cũng như tỉ lệ dương tính với virus cúm gia cầm chủng H5 trên đàn vịt cao đã trở thành sự thực. Thứ trưởng Bộ NNPTNT - ông Bùi Bá Bổng - lo ngại, với kết quả kiểm tra này và nếu không được kiểm soát chặt, khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng rất có thể sẽ là địa điểm tiếp sau ba tỉnh ĐBSCL tái phát dịch cúm.

Chính vì vậy, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm cho rằng, sau Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang, dịch cúm gia cầm nhiều khả năng lan rộng ra các tỉnh lân cận trong vùng. Song ngoài ĐBSCL, dịch cúm gia cầm vẫn có thể bùng phát tại các tỉnh miền Bắc và nguy cơ này trở nên cao hơn tại các tỉnh biên giới cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Các khảo sát cho thấy, tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, nguồn virus vẫn tồn tại trong môi trường, trên đàn thuỷ cầm chưa được tiêm phòng và trên đàn chim hoang, chim di trú.

Thuỷ cầm - mầm mống đại dịch?

Trong khi đó, dù lệnh cấm ấp nở và nuôi mới đàn vịt vẫn còn hiệu lực, nhưng các đàn vịt mới vẫn phát triển ồ ạt tại nhiều địa phương và hầu như không thể kiểm soát, đặc biệt tại hàng loạt các tỉnh ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng nêu ý kiến, rất khó có thể cấm nuôi thuỷ cầm trên địa bàn cả nước. Vì vậy, Bộ NNPTNT chủ trương sẽ cho phép ấp nở và nuôi mới đàn thuỷ cầm sau ngày 28.2, thời điểm lệnh cấm nuôi mới thuỷ cầm hết hiệu lực.

Tuy nhiên Bộ NNPTNT cho rằng, việc nuôi mới thuỷ cầm sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan mầm bệnh và tái phát các ổ dịch mới. Đối với việc nuôi mới thuỷ cầm, Bộ NNPTNT sẽ có hẳn một đề án cho năm 2007 và đang cho lấy ý kiến của các ngành, đặc biệt là ý kiến từ các tỉnh ĐBSCL - khu vực được coi là vùng chăn nuôi thuỷ cầm lớn nhất cả nước.

Một biện pháp khống chế dịch lây lan khác cũng có thể được thực hiện thông qua các mô hình chăn nuôi thuỷ cầm. Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) trước đây từng đưa ra các phương thức chăn nuôi thuỷ cầm như nuôi nhốt trên ao có sàn, nuôi trong ao có kiểm soát, nuôi nhốt trong vườn cây có chuồng, nuôi nhốt trong chuồng có sân chơi và nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng.

Song sau một thời gian chăn nuôi thử nghiệm, nhiều tỉnh ĐBSCL cho rằng, các phương thức chăn nuôi này rất khó thực hiện do không mang lại hiệu quả cao. Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng chăn thả tự do và nuôi vịt chạy đồng sẽ tiếp tục phổ biến và công khai nếu lệnh cấm nuôi mới thuỷ cầm được dỡ bỏ sau ngày 28.2.

• Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa phương. Cục Thú y (Bộ NNPTNT) ngày 3.1 cho hay, cơ quan này vừa cử các chuyên gia thú y tới ba tỉnh đang có dịch cúm, gồm Bạc Liêu, Cà Mau và Hậu Giang nhằm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Các nhóm công tác khác cũng được cử tới Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hoà, Phú Yên, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam và Vĩnh Phúc. Thời gian kiểm tra sẽ kéo dài đến hết tháng 2.2007.

• TPHCM: Tiếp nhận dự án "Tăng cường giám sát đại dịch cúm" do Mỹ tài trợ. Ngày 3.1, tin từ UBND TPHCM cho biết, sau khi được Chính phủ phê duyệt, TPHCM sẽ được tiếp nhận dự án "Tăng cường giám sát và phòng, chống đại dịch cúm ở người giai đoạn 2006-2007" do Mỹ tài trợ không hoàn lại. Đây là dự án của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US-CDC) tài trợ. UBND sẽ giao cho Sở Y tế và một số cơ quan chức năng liên quan, triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu cũng như nội dung của dự án.

• Quảng Nam-Quảng Ngãi: Thành lập chung một trạm kiểm dịch gia cầm. Ngày 3.1, trạm kiểm dịch gia cầm do hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi phối hợp được thiết lập tại Núi Thành - ranh giới giữa hai tỉnh. Nhân viên của trạm là người của cả hai tỉnh, làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm qua lại giữa hai tỉnh, đặc biệt là tại Khu kinh tế Dung Quất -nơi có trên 5.000 lao động đang thi công nhà máy lọc dầu, mỗi ngày tiêu thụ cả nghìn con gia cầm.

• Đà Nẵng: Chủ động với nguy cơ tái bùng phát dịch. Ngay sau khi có thông tin việc tái bùng phát dịch ở các tỉnh phía nam, UBND TP.Đà Nẵng đã khẩn cấp triển khai các biện pháp chủ động đối phó với dịch. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm được tái lập.

Ông Trần Văn Huy - Giám đốc Sở Thuỷ sản - Nông lâm TP.Đà Nẵng - cho biết: "Chúng tôi đã triển khai 4 biện pháp cơ bản để chủ động phòng dịch và dập ổ dịch nếu xuất hiện. Tăng cường lực lượng và thời gian chốt chặn 24/24 giờ tại 4 cửa ngõ quan trọng ra - vào TP. Lập đội kiểm soát thú y cơ động, tiến hành kiểm tra tất cả các điểm xung yếu trên tuyến đường đi Hội An, Đại Lộc, Quảng Nam, tại các bến xe, nhà ga...". Đặc biệt, kể từ 1.1, Đà Nẵng cấm không cho vận chuyển vịt từ các địa phương khác đến bằng bất cứ hình thức nào, kể cả vịt con giống.

• Quảng Nam: Có thể tái bùng phát dịch bất cứ lúc nào. Với đến 73% số mẫu xét nghiệm kết quả cho kết quả dương tính với virus cúm subtype H5, ngày 2.1, Cục Thú y đã "xếp hạng" Quảng Nam vào "vùng nguy hiểm" có thể tái bùng phát dịch cúm gia cầm bất cứ lúc nào. Ngay trong ngày 2.1, UBND tỉnh ra chỉ thị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Toàn tỉnh tập trung cao nhất, huy động mọi lực lượng, kiên quyết các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn kịp thời không để dịch tái phát, triển khai các biện pháp khẩn cấp để dập tắt ngay ổ dịch khi mới xuất hiện, huy động lực lượng thú y tư nhân cùng tham gia chống dịch, phát động tháng hành động thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch cúm gia cầm.

• ĐBSCL: Phổ biến tình trạng tái đàn trái phép. Trong khi ở Bạc Liêu, dịch cúm gia cầm (CGC) đã lan ra 13 xã thuộc 5 huyện; ở Hậu Giang, với việc đàn gà 30 con ở thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thuỷ) cho kết quả dương tính với H5N1, CGC xuất hiện ở 2 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện, thì ở nhiều nơi thuộc ĐBSCL, người dân vẫn còn thái độ chủ quan với nguy cơ tái bùng phát dịch CGC...

Mấy ngày qua, theo một số người dân ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) - nơi vừa phát hiện ổ dịch CGC - con kinh chảy qua ấp 6 có khá nhiều xác GC chết vứt bừa bãi. Tương tự, ở Bạc Liêu, Cà Mau, khi phát hiện GC chết, một số người dân không thông báo cho ngành thú y tiến hành tiêu huỷ, mà ném xác xuống kinh rạch rất dễ gây phát tán mầm bệnh. Tình trạng thấy GC nuôi bị chết, nhưng không báo ngay cho cán bộ thú y cũng khá phổ biến.

Còn ở Bạc Liêu, mặc dù đã công bố dịch tại xã Vĩnh Bình, nhưng các xã lân cận như Vĩnh Thanh, Minh Diệu, dù có tình trạng vịt chết nhưng người dân vẫn không báo cáo với chính quyền địa phương vì sợ bị tiêu huỷ. Thái độ chủ quan phổ biến nhất chính là việc tái đàn trái phép. Theo quy định, phải sau ngày 28.2.2007 mới được nuôi thuỷ cầm trở lại, nhưng hầu như địa phương nào ở ĐBSCL cũng có đàn vịt tái đàn; trong đó một số nơi với quy mô lớn.