00:00 Số lượt truy cập: 2998625

Điển hình nông dân sản xuất giỏi 

Được đăng : 03/11/2016
Bị sốt bại liệt từ nhỏ, thân hình không được trọn vẹn, nhưng với sự cần lao và nghị lực vượt khó, ông Đỗ Thanh Hồng, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã vượt khó vươn lên làm giàu. Nhiều năm liền, ông được tuyên dương nông dân sản xuất, kinh giỏi cấp tỉnh.


Ông Hồng chăm sóc dê.

Xuất thân từ một gia đình chủ yếu gắn bó với cây lúa. Năm nào thời tiết thuận lợi, ông Hồng sản xuất được 3 vụ, nếu thời tiết bất lợi thì 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Với hơn 1 ha đất trồng lúa, màu, hàng năm mang về cho gia đình ông Hồng nguồn thu đáng kể.

Tiếp đó, ông Hồng thuê thêm 2 ha đất trồng lúa, đồng thời tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) "Cánh đồng mơ ước" do Công ty ADC tổ chức, để được hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, cách chăm sóc lúa. Nhờ siêng năng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, nhiều năm liền, cánh đồng lúa của ông đã mang về cho gia đình những vụ mùa bội thu. Chính hiệu quả tích cực này, ông Hồng được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB "Cánh đồng mơ ước" tại huyện Gò Công Tây và vận động hơn 60 nông dân 2 xã Vĩnh Hựu và Long Vĩnh cùng tham gia, giúp bà con có thêm kinh nghiệm, điều kiện kinh tế để đầu tư sản xuất, chăm sóc lúa được tốt hơn.

Hàng năm, sau khi thu hoạch lúa thấy rơm dư nhiều, ông Hồng mua bò về nuôi. Theo ông Hồng, nếu nuôi bò vỗ béo phải cần đến rơm, vì rơm tốt cho hệ tiêu hóa của bò, vừa tiết kiệm được chi phí mua thức ăn công nghiệp, lại không mất nhiều thời gian để trồng và cắt cỏ thêm. Rơm đem về phơi khô, chất thành cây cao, đem cho bò ăn từ từ. Cứ 3 năm ông xuất bán 2 lần bò thịt, mỗi lần 2 con, giá không dưới 30 triệu đồng/con.

Khi có vốn, ông Hồng nuôi thêm vịt đẻ, trước đây, khi chưa có kinh nghiệm, việc nuôi vịt đẻ của gia đình hay bị thua lỗ do dịch bệnh hoặc chất lượng trứng không cao, bị dạt và bán trứng tươi cho người tiêu dùng làm thức ăn, thực phẩm. Không nản chí, ông đi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, nắm được quy trình, kỹ thuật chăm sóc, đến nay, việc chăn nuôi vịt đã ổn định, chất lượng trứng, cũng như tỷ lệ cho trứng của vịt luôn đạt chất lượng cao. Số lượng đàn tăng dần lên, từ vài chục đến nay ông đã có hơn 300 con vịt cho lấy trứng.

Ông Hồng cho biết, vịt con sau khi nuôi khoảng 140 ngày sẽ đẻ trứng, muốn vịt cho trứng đều, đạt chất lượng, ngoài yếu tố thức ăn, thì nguồn nước phải được đảm bảo, nếu thiếu nước vịt sẽ ngưng đẻ. Vì vậy, chuồng vịt của ông được làm với 1/2 diện tích là ao nước để cho vịt bơi lội. Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, trứng vịt của gia đình ông được các lò ấp vịt đến mua về ấp làm vịt giống. Hiện tại, ông bán giá 4.400 đồng/trứng.

Ông Hồng chia sẻ: "Muốn vịt cho trứng sai, đàn vịt đẻ phải nuôi thêm vài con vịt trống. Với hơn 300 con vịt đẻ này, nếu chăm sóc tốt, vịt rớt trứng đều, mỗi ngày được hơn 250 trứng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận trên 500.000 đồng. Nếu trứng vịt đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn để ấp làm vịt giống, khỏi cần đem đến lò, tự các cơ sở ấp trứng sẽ đến thu gom, giá cao, lợi nhuận nhiều, không tốn nhiều thời gian chăm sóc".

Bên cạnh đó, ông Hồng còn làm chuồng nuôi dê. Hiện tại, ông có gần 20 con dê cả dê thịt, dê con và dê sinh sản. Ông Hồng bộc bạch: "4 con dê thịt vỗ béo khoảng một tháng nữa là có thể bán, với giá như hiện tại, 4 con này hơn 15 triệu đồng. 3 con dê nái chuẩn bị sinh sản. Nuôi dê dễ, không kén thức ăn, ít bị bệnh như một số con vật nuôi khác. Chuồng trại thoáng mát, cao ráo đảm bảo dê mau lớn, khỏe mạnh. Bình quân mỗi năm, việc nuôi dê mang về cho gia đình tôi hơn 50 triệu đồng".

Chính những năm tháng miệt mài, bám ruộng, bám vườn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, ông Hồng đã có cơ ngơi khá ổn định, được bà con tín nhiệm, bầu làm Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Hòa Bình. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về hơn 400 triệu đồng, có điều kiện nuôi các con khôn lớn nên người. Nhiều năm liền, gia đình ông được tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Ông Lê Mỹ Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hựu nhận xét: "Anh Hồng đã vượt lên chính mình, dù sức khỏe không được như bao người khác, nhưng với niềm tin, nghị lực, anh đã vươn lên làm giàu bằng chính sức cần lao của mình. Đặc biệt, khi kinh tế ổn định, anh sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nông dân có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên làm giàu bằng chính kinh nghiệm của mình, nhất là khuyến khích mọi người cùng tham gia vào CLB "Cánh đồng mơ ước", để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng xã Vĩnh Hựu hoàn thành tiêu chí "Thu nhập" trong bộ 19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới".

Văn Minh