00:00 Số lượt truy cập: 2661411

Diện tích cây trồng biến đổi gien vượt 1 tỉ hecta 

Được đăng : 03/11/2016

Theo Cơ quan Dịch vụ Quốc tế về cấp chứng nhận an toàn công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA), diện tích đất nông nghiệp được dành trồng cây biến đổi gien (GM) trên thế giới đã tăng gần 10% so với năm ngoái.


Trong đó, tỉ lệ sử dụng đất nông nghiệp trồng cây biến đổi gien tăng nhanh nhất ở Braxin và giảm ở khu vực châu Âu. Gần như tất cả các giống cây biến đổi gien được sử dụng đều được phát triển vì hai tính năng là kháng sâu bệnh và chống chịu thuốc diệt cỏ.
ISAAA là tổ chức được tài trợ một phần bởi ngành công nghiệp ủng hộ quan điểm phát triển công nghệ sinh học là con đường phát triển bền vững. ISAAA tính toán, hơn 1 tỉ hecta đất đã được trồng cây biến đổi gien kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 1996.
ISAAA ước tính có hơn 15 triệu nông dân tham gia vào ngành nông nghiệp biến đổi gien.
Clive James, chủ tịch và cũng là nhà sáng lập của tổ chức cho biết: “Chúng tôi nhớ rất rõ năm đánh dấu sự tiến triển vượt bậc trong ứng dụng cây trồng biến đổi gien. Trong suốt năm 2010, tổng diện tích cây trồng biến đổi gien với mục đích thương mại đã vượt quá 1 tỉ hecta – con số này còn lớn hơn cả diện tích của nước Mỹ hay Trung Quốc.” Số cây trồng biến đổi gien được đăng ký tăng trưởng tới mức 2 con số trong năm 2009, đưa tổng diện tích trồng trên thế giới lên 148 triệu hecta. Điều đáng nói bắt đầu từ đây.
Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng đây mới là 10% diện tích đất có thể canh tác được theo định nghĩa của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO). Gần một nửa diện tích cây trồng biến đổi gien thế giới tập trung ở Mỹ, mặc dù các nước đang phát triển áp dụng công nghệ nhanh hơn các nước công nghiệp. Nếu xu hướng này tiếp diễn, các nước đang phát triển sẽ trồng nhiều hơn chỉ trong vài năm tới.
Trong năm 2010, Pakistan và Burma bước những bước đầu tiên vào thế giới cây trồng biến đổi gien với cây bông đựơc biến đổi gien kháng sâu bệnh. Tuy nhiên, EU tiếp tục thúc đẩy xu hướng thế giới, với việc Đức và Thụy Điển ra mặt ủng hộ việc trồng giống khoai tây mới để sản xuất tinh bột chất lượng cao sử dụng trong công nghiệp, không phải làm thực phẩm.
Trong khi đó, tổ chức Hòa bình xanh đã đưa ra đề xuất được ủng hộ với hơn 1 triệu chữ ký lên Ủy ban châu Âu yêu cầu dừng việc chứng nhận các giống biến đổi gien mới. Mới đây, EU đã thông qua một chiến dịch cho phép hơn 1 triệu người dân châu Âu chung tay kêu gọi thay đổi luật.
Một trong những chỉ trích quan trọng nhất đối với ngành công nghệ biến đổi gien trong nhiều năm qua là những công ty không bán những cây trồng được sản xuất ra vì lợi ích cộng đồng, như là những sản phẩm có cải tiến về hàm lượng dinh dưỡng, hay là cho phép người nông dân ở các nước nghèo trồng cây ở vùng đất hiện đang quá nóng, quá khô hay quá mặn.
Gần như tất cả các giống cây trồng năm 2010 đều được phát triển để hoặc là kháng sâu bệnh, bằng cách thêm vào gien Bacillus thuringiensis sản sinh ra độc tố - hoặc là chịu được thuốc diệt cỏ.
Một tỉ lệ khá lớn – khoảng 20% - mang cả hai đặc tính này, phản ánh xu hướng của các công ty muốn bán ra thị trường những giống cây trồng có chứa một vài kiểu gien nổi trội hơn. Thậm chí có tới 8 loại gien được thêm vào một loại giống mới.
Một chỉ trích khác là hiện nay có 4 loại cây – đậu tương, bông, ngô và canola (một loại cây thuộc họ cải dầu) – chiếm lĩnh thị trường, mà ít quan tâm tới các cây lương thực quan trọng khác như gạo, kê hay lúa miến.
Đáng chú ý trên thị trường 5 năm vừa qua có loại gạo vàng “Golden Rice” được bổ sung vitamin A. Loại gạo này dự kiến sẽ có mặt ở Philippin vào năm 2013 và sau đó là ở Băng la đét, Inđônêxia và Việt Nam. Sự ra đời của Golden Rice có thể cứu sống hàng nghìn người bị thiếu vitamin A.