Những quả đồi với bạt ngàn cây điều tại các xã Đức Phổ, Phước Cát 1, Phước Cát 2, Mỹ Lâm, Tư Nghĩa... thuộc huyện Cát Tiên đang tươi mơn mởn tự nhiên chết trắng. Hàng trăm hộ dân trồng điều thất thu hàng trăm triệu đồng mà không biết vì sao.
Trắng tay
Dọc đường Lô 2 bắt đầu từ thị trấn Đồng Nai qua các xã Đức Phổ, Phước Cát 1 huyện Cát Tiên sang đến địa phận Bình Phước, hơn một ngàn hécta điều gần như chết trắng. Những cây điều khô cháy, nhuốm màu bàng bạc như vừa trải qua một trận hỏa hoạn. Chị Nguyễn Thị Thương, thôn 5, xã Đức Phổ, Cát Tiên than: “Không hiểu tại sao mà từ tết đến giờ gần như toàn bộ diện tích hơn 5 hécta điều của tôi đã chết trắng. Ban đầu những chùm hoa sậm màu, sau đó đen thui lại, rồi đến lượt lá và thân cây cũng khô từ từ. Mọi năm trung bình tôi thu 6-7 tạ/hécta, năm nay toàn bộ diện tích mới thu được vài chục ký”.
Ông Vũ Ngọc Ba, Hội Nông dân thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên cho biết: “Tôi có 10 hécta điều, nay đã chết hơn 90% diện tích. Đầu vụ ai cũng nghĩ là năm nay điều trúng mùa khi thấy cây nào cũng đầy hoa, nhiều cành hoa ra nhiều nặng trĩu sát đất. Nhưng chỉ khoảng 2 tuần sau thì hoa bắt đầu héo dần, sậm màu lại, sau đó cây cũng khô quắt và chết. Điều rất lạ là nhiều cây lá vẫn còn xanh nhưng đã rụng hàng loạt. Từ đầu vụ đến nay tôi xịt thuốc 4 lần rồi mà cũng không cứu được. Tính ra năm nay tôi tốn tiền phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ ngót 200 triệu rồi. Đến giờ coi như trắng tay”.
Theo ông Ba thì đến giờ vẫn chưa thấy nhà khoa học hay cơ quan chức năng nào đến tìm hiểu, nói cho bà con biết vì sao điều chết và hướng dẫn cách điều trị, phòng ngừa (!?)
Mới chỉ tập huấn, khuyến cáo
Để phòng và diệt bọ xít muỗi cho cây điều, bà con cần phải vệ sinh vườn và tỉa cành đảm bảo thông thoáng. Hun khói vào buổi sáng và chiều tối ở các vườn điều để xua đuổi bọ xít muỗi. Phát quang bụi rậm xung quanh vườn điều nhằm hạn chế nơi trú ngụ thường xuyên của bọ xít muỗi. Khi bọ xít muỗi gây hại với tỷ lệ cao có thể luân phiên sử dụng các loại thuốc như Karate 25EC, Angun 5WDG, Regent 800WG. Nên phun thuốc vào sáng sớm và chiều tối để nâng cao hiệu lực của thuốc.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm gặp ông Đào Duy Mai, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cát Tiên, thì ông cho biết: “Chúng tôi luôn theo sát bà con nông dân. Ngay từ cuối năm 2010, khi thấy cây điều có hiện tượng bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư phá hoại, chúng tôi đã có văn bản cụ thể để khuyến cáo cho bà con nắm tình hình sâu bệnh trên cây điều. Chỉ đạo tập trung chăm sóc, phòng trừ, tổ chức hướng dẫn bà con nông dân qua truyền thanh, truyền hình huyện, sau đó trực tiếp xuống làm việc với từng xã về các loại sâu bệnh, cách phòng trừ... Cho nên không thể có chuyện chúng tôi không quan tâm, không biết gì về tình hình sâu bệnh cây điều trong thời gian qua”.Kỹ sư Đào Duy Mai, Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Cát Tiên.
Theo ông Ngô Xuân Hiển, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, thời gian qua huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP HCM tổ chức cho mỗi địa phương trong huyện 2 lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ bệnh cây điều. Mỗi lớp thu hút gần 100 người là lãnh đạo xã, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cán bộ khuyến nông và bà con nông dân tham gia. Ngoài ra huyện còn tổ chức cho mỗi xã, thị trấn 1 chuyến tham quan mô hình trồng điều tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước. Tuy nhiên, tình hình điều chết vẫn chưa thuyên giảm bao nhiêu”.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT thì toàn huyện Cát Tiên có hơn 5.000 hécta điều, trong đó hơn 1.000 hécta đã bị chết và diện tích này có thể tiếp tục tăng. “So với các địa phương khác như “vương quốc” điều Bình Phước hay Đồng Nai thì năng suất điều ở Cát Tiên rất thấp. Chính vì vậy chúng tôi đang thực hiện đề án giảm khoảng 2.000 hécta điều bằng cách tỉa thưa và trồng xen cây cacao dưới tán. Tùy kết quả dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục giảm diện tích điều hoặc tìm hướng thích hợp hơn với địa phương để chuyển đổi cây điều bằng một loại cây khác. Có thể tương lai Cát Tiên sẽ không còn bóng dáng cây điều”, ông Mai cho biết.