00:00 Số lượt truy cập: 2668554

Điều chỉnh vị trí ra hoa của cây bưởi để đạt năng suất cao 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Xin cho biết cách điều chỉnh vị trí ra hoa của cây bưởi để đạt năng suất cao?
(Nguyễn Văn Công và một số bạn đọc ở Lạc Thủy, Hòa Bình)


Đáp: Ông Lê Văn Hoa ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trồng bưởi từ năm 1998 và đã có kinh nghiệm điều chỉnh vị trí ra hoa của bưởi để có thu nhập cao và kinh nghiệm này đã được phổ biến rộng rãi, đạt giải trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc” của Hội Nông dân Việt Nam năm 2004 - 2005.

Ông Hoa có diện tích vườn là 5.000m2, trồng bưởi da xanh ruột hồng là giống bưởi đặc sản. Quan sát thấy mẫu mã, kích cỡ, phẩm chất trái giữa các đợt và hình thái cây bưởi có sự khác nhau theo vị trí ra hoa, ra quả trên cùng một cây bưởi. Ông thấy:

- Đối với những cây có đa số trái ngoài cành và ít trái trên các nhánh nhện trong thân, quan sát thấy:

+ Mẫu mã, kích cỡ, phẩm chất trái không đều và hướng giảm dần giữa các trái đậu ngoài cành và trên các nhánh nhện trong thân (cành trên thân chính).

+ Trái trên các nhánh nhện có kích cỡ đồng đều, màu vỏ trái xanh, kích cỡ trái lớn hơn, chất lượng cao hơn với trái ngoài cành.

+ Đa số vỏ trái ngoài cành thường bị nám do ảnh hưởng của ánh nắng chiếu trực tiếp, dễ bị nhiễm bệnh và các nhánh có mang trái có dấu hiệu suy kiệt, chậm sinh ra đọt mới.

+ Tại các vị trí thân cây có mang trái ngoài cành, vỏ cây có dấu hiệu già cỗi, rám nắng và rất ít tạo ra chồi mới.

- Đối với những cây có đa số trái trên các nhánh nhện:

+ Mẫu mã, kích cỡ trái và phẩm chất trái đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ cao hơn so với các cây nêu trên.

+ Trong thời gian mang trái cây vẫn ra đọt mới, thân cây vẫn tạo ra những chồi mới, hình thái cây không có dấu hiệu suy kiệt.

+ Thời gian thu hoạch trái có rút ngắn hơn, số lượng trái và giá trị sinh lợi từ các cây có trái, trên các nhánh nhện đạt cao hơn.

Để cây chỉ cho trái trên các nhánh nhện, ông đã quyết định thực hiện thí điểm:

- Tỉa bỏ hết các trái ngoài cành, chỉ giữ lại các trái trên các nhánh nhện nhưng sản lượng thu hoạch giảm hẳn.

- Giải pháp xử lý ra hoa trên nhánh nhện của một số cây:

+ Phun thuốc kích thích ra hoa lên các nhánh nhện.

+ Tỉa bỏ lá trên các nhánh nhện.

Kết quả ghi nhận như sau:

+ Nếu phun thuốc kích thích ra hoa thời gian để cây tạo hoa kéo dài, số lượng nhánh nhện ra hoa chiếm tỷ lệ khoảng từ 60 - 70%.

+ Nếu tỉa bỏ lá thời gian cây tạo hoa rút ngắn hơn, lượng nhánh nhện ra hoa đạt 100%, số lượng trái sau thu hoạch lớn hơn so với cây phun thuốc kích thích. Giải pháp tỉa bỏ lá trên các nhánh nhện sản lượng sau thu hoạch tăng đáng kể số lượng trái đạt yêu cầu.

Trong quá trình đó ông đã điều chỉnh các chế độ chăm sóc, khắc phục một số hạn chế, tạo chọn cành nhện để cho trái, điều chỉnh số lượng trái theo sức cây...

Kinh nghiệm rút ra là:

- Điều trước tiên chăm sóc cho các cây tốt đều, bón phân hữu cơ kèm theo phân vô cơ để cây đủ sức nuôi trái.

- Khi quan sát trên đọt cây, thấy lá già độ khoảng 2 tuần nữa là cây ra đọt tiếp, ước lượng số lượng trái và lựa chọn các nhánh nhện thích hợp để bố trí trái rải đều trong thân.

- Bón thêm khoảng 0,2kg phân NPK/cây, theo độ rộng của tán.

- Tưới nước ẩm để cây hấp thu tốt phân từ 3 - 5 ngày. Sau đó chọn các nhánh nhện ngắn khoảng 30cm, đủ lớn và gần gốc để tỉa bỏ hết lá. 1 - 2 tuần sau, các nhánh nhện vừa được tỉa bỏ lá sẽ ra mầm lá và mầm hoa, các nhánh nhện cho trái, trái rất nhanh lớn và to, đạt được năng suất và giữ được chất lượng bưởi da xanh ruột hồng. Biện pháp này đã được phổ biến rộng rãi đến bà con nông dân, kết quả đạt được cũng tương tự như ông Hoa thực hiện.