Điêu đứng vì tôm bệnh
Được đăng : 03/11/2016
Hầu hết các ao nuôi tôm ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng đều chưa đến thời điểm thu hoạch
nuôi tôm sú năm 2010 này, nông dân ở ĐBSCL rất phấn khởi trước việc giá tôm thương phẩm đang ở mức cao. Đây là một tín hiệu tốt và là một động lực giúp cho người nuôi tôm sú tích cực đầu tư, cải tạo ao hồ, chuẩn bị mọi mặt cho một vụ thả nuôi tôm mới. Tuy nhiên, dịch bệnh đang hoành hành khiến người nuôi tôm như ngồi trên lửa.
Chưa có biện pháp khắc phục
Do giá tôm nguyên liệu hiện nay đang ở mức có lợi, một số bà con nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL đã tranh thủ thời gian để thả nuôi con giống sớm. Họ nghĩ rằng thả con giống sớm thì sẽ thu hoạch sớm, không rơi vào thời điểm thu hoạch rộ, tôm bị mất giá.
Thế nhưng sự tính toán này tuy về lý thuyết là đúng nhưng bà con đã quên đi yếu tố “thiên thời – địa lợi”. Hệ quả là tình hình dịch bệnh đốm trắng, đỏ thân, đầu vàng bộc phát trên diện rộng ở nhiều khu vực nuôi tôm sú.
Tại tỉnh Trà Vinh, hiện có hơn 18.000 lượt hộ thả nuôi hơn 1,2 tỉ con tôm sú nhưng đã có hơn 3.100 hộ nuôi tôm bị thiệt hại với tổng số hơn 205 triệu con giống, chiếm 16,7% số lượng con giống được thả nuôi.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân tôm nuôi bị chết nhiều khả năng là do thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi dẫn đến tôm nuôi bộc phát dịch bệnh.
Trong khi đó, nhiều người nuôi tôm cho rằng nguyên nhân là do thời tiết và cả chất lượng nguồn con giống, nhất là con giống chưa được kiểm tra bằng phương pháp PCR...
Hầu hết các ao nuôi tôm bị thiệt hại nặng đều ở giai đoạn tôm từ 1,5 - 2,5 tháng tuổi. Ông Nguyễn Văn Của ở ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Người nuôi tôm đang vô cùng lo lắng vì chưa có biện pháp gì để khắc phục...
Dấu hiệu lan rộng
Không chỉ ở Trà Vinh, hầu hết ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL hiện nay như: Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây lan trên tôm nuôi.
Thời tiết giao mùa là một trong những nguyên nhân làm cho tôm nuôi khó phát triển. Tình hình nắng nóng làm cho nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lên đến 10oC, đã làm biến động các yếu tố môi trường ao nuôi như độ kiềm, độ pH, phân tầng độ nóng, rong tảo xuất hiện nhiều trong ao nuôi... nên đã tạo điều kiện cho các mầm bệnh xuất hiện, làm cho tôm nuôi bị chết hàng loạt.
Đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở tỉnh Sóc Trăng lên đến gần 630 ha, chiếm khoảng 3% diện tích thả giống, tập trung vào diện tích tôm thả giống trước lịch thời vụ.
Đối với tỉnh Bến Tre, năm 2010 này, Chi cục Nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã xây dựng kế hoạch nuôi tôm biển là 31.000 ha. Diện tích thả nuôi tôm chân trắng thâm canh là 175 ha, tăng 150% so với cùng kỳ.
Đến nay, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là 98 ha, chiếm 6,3% diện tích đã thả nuôi. Trong đó, diện tích thiệt hại do thả giống trước lịch thời vụ là 70 ha tập trung tại các xã Thạnh Trị, Bình Thới, Định Trung của huyện Bình Đại.
Đối với tôm thẻ chân trắng, diện tích thiệt hại là 15 ha, chiếm 8,6% diện tích đã thả giống, tập trung tại xã An Hòa Tây của huyện Ba Tri. Nguyên nhân tôm chết cũng là do dịch bệnh đốm trắng...
Phối hợp cải tạo ao nuôi
Tại một số địa phương ở hai tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng, nhiều người nuôi tôm rút kinh nghiệm các vụ trước đã có bước chuẩn bị tốt cho việc cải tạo ao hồ, lựa chọn con giống nên hạn chế được dịch bệnh trên tôm.
Ông Nguyễn Thanh Vân ở HTX nuôi tôm Thành Công, xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi cùng nhau phối hợp để tập trung cải tạo công trình cho thật tốt, từ việc phơi ao, xử lý nước...
Đến thời điểm chọn giống, phải cử đại diện đi mua để thực hiện đầy đủ các khâu xét nghiệm trước khi đưa về. Nhờ làm tốt các bước này mà tình hình nuôi được ổn định hơn những hộ nuôi ngoài HTX”.