00:00 Số lượt truy cập: 3084530

Điêu đứng vì trồng điều... không ra trái 

Được đăng : 03/11/2016
Vội vàng triển khai mô hình trồng điều trên rú cát đã đẩy hàng chục hộ dân ở ba xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang phải đua nhau chặt phá cây vì điều không ra trái.

Sau 5 năm trồng, điều vẫn không ra trái. Ảnh: Nguyễn Phương.
Điều đáng nói, việc trồng điều ồ ạt trước đó xuất phát từ một mô hình chưa đủ thời gian kiểm nghiệm. Cách đây 7 năm, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam trồng thí điểm hai ha điều trên rú cát ở huyện Quảng Điền. Để đánh giá mô hình thí điểm trồng điều phải mất thời gian 3-5 năm vì điều thuộc cây công nghiệp lâu năm. Thế nhưng, bất chấp những kết quả thử nghiệm, chưa đầy 6 tháng sau, Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền đã vội vàng ký hợp đồng với trung tâm Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ để cung ứng giống, cho nông dân trồng điều đại trà tại ba xã với 22ha, mỗi hộ 1-2ha.

Chính sự vội vàng này đẩy nông dân đến cảnh “dở khóc dở cười”. Hiện hàng chục hộ dân đua nhau chặt phá điều để chuyển đổi mô hình VAC. Vậy là, sau bao nhiêu năm vun trồng, nông dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Bà Lê Thị Chúc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền bức xúc: “Gia đình tôi thuộc diện được cấp giống để trồng điều trên rú cát. Mỗi năm gia đình phải bỏ ra ba triệu đồng để chăm sóc. 6 năm qua, kể từ ngày triển khai trồng điều ở đây, vợ chồng tôi rất tốn nhiều công, mất ăn mất ngủ theo điều, nhưng cây thì không ra trái. Chúng tôi phải chặt bỏ làm củi. Nhìn thấy thì xót, nhưng biết làm thế nào”.

Tại xã Quảng Vinh, xã Quảng Thái, nhiều nông dân vẫn lâm vào tình cảnh trắng tay vì trồng điều. Điệp khúc: “trồng - chặt” như một ám ảnh đang diễn ra tại xã này. Ông Phan Lai Đức, xã Quảng Vinh bức xúc nói: “Huyện cho gia đình tôi trồng hai ha điều, nhưng trồng rồi lại vứt đó. Mỗi năm, gia đình tôi được tài trợ 590.000 đồng mua phân bón. Thế nhưng, chẳng ai ngó ngàng đến điều, vậy là bao nhiêu mồ hôi, công sức lại phải chặt đi”.

Ông Hồ Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền phân trần: “Theo kế hoạch, huyện sẽ triển khai 60ha tại ba xã này, nhưng khi mới triển khai đến 22ha, thấy không hiệu quả nên phải dừng lại. Mong muốn của huyện là xem điều như một cây lâm nghiệp để phủ xanh đồi cát trắng, nên huyện tiến hành mua giống về cấp cho nông dân. Sở dĩ huyện mạnh dạn trồng điều vì Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam đã khảo sát và cho rằng vùng đất này có thể trồng điều được”.

Tuy nhiên, ông Vang thừa nhận huyện đã vội vàng triển khai trồng điều đại trà khi chưa đủ thời gian kiểm nghiệm. “Sau chương trình mía đường, cả vùng đất rú cát mênh mông như vậy cần phải có cây để phủ xanh, chống cát bay nên huyện đã triển khai”, ông Vang lý giải.

Khi triển khai trồng điều, nhiều cơ quan chức năng đã cảnh báo, vùng đất rú cát Quảng Điền trước đây đã có nhiều dự án mô hình trồng cây ăn quả không mang lại hiệu quả phải chặt bỏ như măng cụt, xoài, cam, dừa... Thời kỳ đầu ra hoa, cây ăn quả dễ gặp phải gió mùa đông bắc, ra hoa nhiều nhưng không đậu quả. Sau 3 đến 5 năm, cây thối dần, trái nhỏ, bên trong không có cơm…rồi chết dần. Năm 2003, hàng chục hecta tre đã chết cháy trên rú cát với nắng nóng khắc nghiệt vùng này.