| Điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. |
Đừng nhân danh ANLT
Tại hội thảo điều hành xuất khẩu gạo - thực trạng và giải pháp do Hội Nông dân tổ chức, ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, từ năm 2006 sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 12 thì tất cả việc điều hành xuất khẩu gạo đều dựa trên cơ sở chỉ tiêu định hướng xuất khẩu đầu năm. Việc xuất khẩu gạo không phân chỉ tiêu cho bất kỳ một đơn vị, tỉnh nào cả mà chỉ có định hướng. Riêng năm 2009, sau khi tổ điều hành xuất khẩu gạo được Thủ tướng Chính phủ ban hành, VFA được giao nhiệm vụ đăng ký hợp đồng xuất khẩu và hướng dẫn giá sàn xuất khẩu. Giá sàn là để ngăn ngừa các doanh nghiệp bán phá giá và nâng cao giá gạo xuất khẩu từ đó nâng giá mua thóc lúa cho nông dân lên. Điều hành xuất khẩu gạo rất phức tạp bởi phải đảm bảo 4 mục tiêu: đảm bảo mua hết lúa gạo trong dân, đảm bảo an ninh lương thực (ANLT), các doanh nghiệp thu mua phải có lãi, đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng trong nước. Ông Trí cho rằng, ở một mức nào đó 4 chỉ tiêu này là hài hòa nhưng nó sẽ có sự mâu thuẫn. Trong tổ điều hành xuất khẩu gạo VFA chỉ là một thành viên trong đó thôi và nhiều lần VFA đề nghị nên giao lại việc này nhưng Bộ Công Thương và Chính phủ không thể đứng ra điều hành vì nhiều nội dung điều hành như hiện nay cơ quan Nhà nước không đứng ra can thiệp được do bị ràng buộc bởi các cam kết gia nhập WTO. Chính vì vậy, hiện VFA vẫn đang phải gồng mình làm hết mọi việc.
Tuy nhiên, về vấn đề này chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, nói WTO không cho phép Chính phủ các nước can thiệp vào các vấn đề an ninh lương thực là không đúng. “Nước ta đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, tuy nhiên tiếng nói quyết định giá cả trên thị trường lại quá yếu ớt và như vậy lợi ích chưa tương xứng với vị trí. Vấn đề đặt ra là có nên theo đuổi số lượng xuất khẩu gạo như hiện nay nữa không, nên chăng chúng ta cần chú ý vào việc tạo ra giá trị. Nhiều người vẫn cho rằng, gạo Việt Nam thua Thái Lan về giá nhưng tôi cho rằng, chúng ta còn thua cả về cách điều hành”. Ông Phạm Vỹ Bền, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Tháp Sơn (Long An) cho biết, 15 năm qua, nước ta xảy ra 2 cơn sốt gạo. Năm 1998 là do hiện tượng Elnino nên Philippin, Inđônêxia và Trung Quốc mất mùa gây nên cơn sốt gạo trong khu vực, giá tăng từ 200 USD lên 290 USD/tấn. Đùng một cái, tháng 5/1998, có lệnh ngừng xuất khẩu gạo, giá gạo trong nước tụt từ 3.900 đồng xuống 2.300 đồng/kg khiến cho một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị tổn thất to lớn. Đúng 10 năm sau kịch bản này lặp lại. Tháng 3/2008, trong lúc gạo bán ở giá cao, lại có lệnh tạm ngưng xuất khẩu với lý do đảm bảo ANLT gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn tới người sản xuất. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đúng như vậy thì trong vụ ngừng xuất khẩu gạo vừa rồi, ANLT chỉ là cái cớ để người ta bịt đầu ra lúa gạo nhằm dìm giá trong nước, cắt lỗ cho các hợp đồng đã lỡ ký?
Theo bà Lan, ANLT nên tách ra khỏi điều hành xuất khẩu gạo. Chính phủ ở một nước sản xuất lương thực nhiều như Việt Nam hoàn toàn có thể huy động lượng dự trữ nhất định để đảm bảo an ninh. Theo thống kê, ĐBSCL cung cấp 0,3 triệu tấn gạo dự trữ mỗi năm, nhưng theo bà Lan, Chính phủ hoàn toàn có thể nâng lên cao hơn nữa để giải quyết vấn đề ANLT quốc gia. Còn việc xuất khẩu gạo các doanh nghiệp cứ tiến hành và không ảnh hưởng gì tới ANLT. “Làm gì phải cần đến 1 tổ điều hành xuất khẩu gạo với định kỳ 2 tuần, 1 tháng lại rà soát lại ANLT. Tôi nghĩ rằng việc dự trữ của Chính phủ đã ổn định hàng năm. Nếu tách được ANLT ra một vấn đề riêng thì sẽ không còn nguy cơ nhân danh ANLT để điều hành xuất khẩu gạo. Hiện, ANLT bị lạm dụng quá”.
Nông dân cần có tiếng nói hơn nữa
Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế. Theo các chuyên gia, hiện nay, xuất khẩu gạo liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người nông dân thế nhưng họ lại chưa có nhiều tiếng nói về vấn đề này.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải tiến tới minh bạch, công khai hợp đồng xuất khẩu gạo bởi đây là việc liên quan tới đời sống của hàng triệu người nông dân. Hai năm qua, chỉ số giá tiêu dùng cao nhưng người nông dân vẫn đảm bảo được ANLT cho đất nước, do đó việc điều hành xuất khẩu gạo cần có tiếng nói của nông dân. Nên mở rộng thành phần trong VFA bao gồm cả hội nông dân, các chuyên gia kinh tế. Tổ điều hành xuất khẩu gạo hiện nay thực chất chỉ là thông qua VFA mà thôi.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), cho rằng: “Vai trò của VFA quá lớn. Theo tôi không nên để VFA nắm vai trò quản lý nhà nước trong điều hành xuất khẩu gạo. Nếu để như hiện nay, VFA sẽ không đi cùng lợi ích của nông dân, trong khi đó tiếng nói của nông dân lẻ tẻ, yếu ớt quá”.
Bà Lan đặt vấn đề tại sao mặt hàng lúa gạo lại không thể được điều hành giống như một số mặt hàng khác mà chúng ta đã và đang làm được. Ví dụ như dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn. Cơ chế điều hành xuất khẩu gạo như hiện nay là không cần thiết nữa mà các cơ quan liên quan như Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương nên tập trung xây dựng hệ thống thông tin xuất khẩu gạo tự động để nông dân biết giá là bao nhiêu và các doanh nghiệp thì nắm được thông tin. Và vì vậy, vị thế của nông dân trong việc mặc cả giá lúa gạo sẽ được nâng lên. VFA nên quay trở lại đúng vai trò của mình bởi nếu làm cả vai trò quản lý Nhà nước sẽ làm méo mó hình ảnh của VFA. Bên cạnh đó, VFA cần xây dựng mối quan hệ với nông dân, tiên phong xây dựng mối liên kết 4 nhà. Và khi VFA làm đúng vai trò của mình họ sẽ thấy mối quan hệ máu thịt với nông dân.
|