00:00 Số lượt truy cập: 3083844

Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ 

Được đăng : 03/11/2016
Trước việc Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra, basa của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên về vấn đề này.

Xin Thứ trưởng cho biết các tác động của Quyết định với Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa của Việt Nam thêm 5 năm nữa? Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế?

- Như chúng ta đã biết, ngày 27/2/2009, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành Quyết định cuối cùng về biên độ phá giá của sản phẩm cá tra và basa Việt Nam. Theo đó, DOC cho rằng, việc hủy bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nêu trên có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn việc bán phá giá mặt hàng này vào thị trường Hoa Kỳ. Biên độ phá giá cho giai đoạn 5 năm tiếp theo được xác định từ 26,84 đến 63,88% là biên độ phá giá được nêu trong Quyết định cuối cùng của giai đoạn điều tra ban đầu (2002).

Sau khi có Quyết định cuối cùng của DOC, vụ việc được chuyển sang ITC - Cơ quan có thẩm quyền điều tra để xác định hậu quả tác động của việc hủy bỏ Lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam đến ngành sản xuất cá nội địa của Hoa Kỳ.

Ngày 15/6/2009, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ đã bỏ phiếu quyết định tiếp tục áp dụng Lệnh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Theo ITC, việc hủy bỏ Lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra và basa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể tiếp tục hoặc tái diễn gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ trong khoảng thời gian nhất định. Việc điều tra và xem xét việc áp thuế nêu trên được thực hiện theo trình tự thủ tục rà soát cuối kỳ 5 năm.

Việc tiếp tục kéo dài thêm thời hạn hiệu lực của Lệnh áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm và với biên độ thuế cao chắc chắn sẽ gây ra các tác động hết sức tiêu cực.

Trước hết làm giảm lợi thế cạnh tranh của sản phẩm cá tra - basa Việt Nam.

Không chỉ các doanh nghiệp XK Việt Nam mà cả các doanh nghiệp chế biến Hoa Kỳ dùng sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam làm nguyên liệu chế biến cũng gặp khó.

Người tiêu dùng Hoa Kỳ phải mua hàng hóa với giá cao hơn và ít sự lựa chọn hơn và ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho người dân Hoa Kỳ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá mang nặng tính bảo hộ của các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ vừa làm trầm trọng hơn tình hình vừa đi ngược lại với kêu gọi của Tổng thống Obama rằng “đây là thời điểm hơn lúc nào hết không được phép quay lại và dựng lên tường thành của chủ nghĩa bảo hộ”.

Nhân đây, tôi cũng xin nhắc lại, tại phiên đàm phán về các Quy tắc của vòng Doha, WTO, rất nhiều nước đã cảnh báo về việc xảy ra nguy cơ các ngành sản xuất nội địa sẽ lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ để làm các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bóp méo cạnh tranh và làm suy giảm những lợi ích của thương mại công bằng mà WTO đã đạt được tại vòng đàm phán Uruguay.

Một lần nữa, Bộ Công Thương Việt Nam kịch liệt phản đối quyết định tiếp tục áp thuế nêu trên của các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ và khẳng định rằng các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ, các quyết định áp thuế chống bán phá giá của các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ từ năm 2002 đến nay đã không phản ánh đúng thực tế khách quan của sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam.

Hoa Kỳ đang xem xét xếp hai mặt hàng này của Việt Nam vào loại cá catfish nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Thứ trưởng có ý kiến gì và giải pháp của Bộ Công Thương?

- Từ tháng 9/2008, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (US Department of Afgriculture “USDA”) đã tiến hành chuẩn bị đưa ra quy định mới để thực thi Đạo luật Nông nghiệp 2008 (Farm Act 2008) của nước này về việc bổ sung thêm “catfish” vào Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng điều chỉnh của yêu cầu kiểm tra chất lượng như đối với các sản phẩm thịt, trứng và gia cầm.

Năm 2002, nhằm ngăn chặn sự tăng trưởng nhanh của sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ (hành động này được thực hiện trước khi xảy ra vụ việc chống bán phá giá), Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua quy định luật về định nghĩa “catfish” là loại cá thuộc chủng Ictaluriadc, cá tra, basa của Việt Nam là thuộc loại Pangasius, không phải là catfish và không được dán nhãn hiệu catfish trên bao bì sản phẩm.

Nay, Quốc hội Hoa Kỳ lại quyết định mở rộng thêm định nghĩa “Catfish” bằng việc bổ sung thêm chủng loại cá Pangasius. Do vậy, cá tra - basa của Việt Nam sẽ nằm trong định nghĩa của Catfish và sẽ thuộc đối tượng kiểm tra chất lượng của USDA và cùng với các tiêu chuẩn, quy định mà USDA áp dụng cho việc kiểm tra chất lượng rất nghiêm ngặt của các thực phẩm tươi sống (thịt, trứng, gia cầm). Tiêu chuẩn của hệ thống kiểm tra chất lượng nêu trên của USDA là rất cao, có những quy định rất nghiêm ngặt, phức tạp.

Một khi các quy định mới này được áp dụng trên thực tế thì sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam phải chịu thêm một biện pháp bảo hộ mới tại thị trường Hoa Kỳ dưới hình thức hàng rào kỹ thuật thậm chí còn nặng nề hơn, có tác động tiêu cực hơn so với biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá do nó mang nặng tính phân biệt đối xử và bất công. Chính vì vậy, việc sửa đổi quy định mới này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính Hiệp hội thủy sản Hoa Kỳ và các nhà nhập khẩu thủy sản vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của họ.

Cùng với các cơ quan hữu quan khác và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Công Thương Việt Nam đã nhiều lần phản đối quy định này trong các khuôn khổ khác nhau. Và một lần nữa, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị các cơ quan hữu quan Hoa Kỳ xem xét bãi bỏ quy định rất bất công, mang nặng tính phân biệt đối xử và đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam và Hoa Kỳ là hai thành viên bình đẳng.