Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) cho biết đến hết tháng 9-2009, lượng tiêu VN xuất khẩu đạt 104.786 tấn các loại, đạt tổng kim ngạch 256 triệu USD.
Nếu căn cứ vào số liệu của VPA, tổng nguồn cung tiêu năm 2009 khoảng 115.000 tấn thì từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp không còn tiêu để xuất khẩu. Điều đáng nói, tháng 9 cũng là tháng thứ hai liên tiếp giá tiêu xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi.
Giá tiêu đen xuất khẩu trung bình đạt 2.723 USD/tấn và giá trung bình tiêu trắng đạt 3.946 USD/tấn. So với giá trung bình của sáu tháng đầu năm, giá tiêu xuất khẩu tăng khoảng 1.000 USD/tấn. Như vậy, chỉ tính lượng tiêu đã xuất khẩu, VN đã bị thua thiệt khoảng 100 triệu USD.
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu bị “mất oan” hàng trăm triệu USD như thế. Bởi trong lịch sử ngành tiêu, câu chuyện ồ ạt bán khi giá rẻ, đến khi giá cao chót vót lại ngồi nhìn không phải là mới.
Nếu tính chênh lệch giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất thì năm 2007 là 1.909 USD/tấn và năm 2006 là 2.070 USD/tấn. Đó là chưa kể dù tiêu VN có chất lượng vào loại cao nhất thế giới nhưng đã thành truyền thống giá xuất khẩu luôn thấp hơn 300-500 USD/tấn so với giá thế giới.
Ông Trần Đức Tụng, chánh văn phòng VPA, cho biết quý 1-2009 là thời điểm thu hoạch rộ của tiêu VN, các nước trồng tiêu khác chưa thu hoạch nên về lý thuyết nguồn cung tiêu ra thế giới chủ yếu từ VN và chúng ta có thể khống chế cả về giá và sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, thay vì hạn chế xuất khẩu để nâng giá, các doanh nghiệp lại ồ ạt bán ra.
Cũng trong tháng 6-2009, văn phòng VPA đã phát đi cảnh báo tới các doanh nghiệp rằng sản lượng tiêu toàn cầu tăng không đáng kể do thiên tai và giá thấp, ảnh hưởng sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ chưa có biểu hiện giảm. Lượng tiêu dành cho xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2009 không còn nhiều (ước khoảng 35.000-40.000 tấn).
Nếu tháng 7, 8, 9, tiến độ xuất khẩu cứ gia tăng như vừa qua, phòng khi giá tiêu lên thì lượng hàng trong nước đã cạn, nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước đều thiệt. Thế nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục xuất khẩu cho đến cuối tháng 9 thì VPA thừa nhận: đã không còn tiêu xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đổ lỗi việc dự báo kém cho hiệp hội và Bộ Công thương. Tuy nhiên, với cách làm này, chỉ người trồng tiêu là chịu thiệt bởi họ luôn phải bán giá thấp từ đầu vụ, còn khi giá tăng thì tiêu chẳng còn. Ngay cả khi giá xuất khẩu tăng đột biến thì giá mua tiêu tại thị trường nội địa lại không tăng. Bằng chứng là giá mua nội địa trong tháng 9 giữ nguyên ở mức 46.000-48.000 đồng/kg, tăng không nhiều so với các tháng trước.