00:00 Số lượt truy cập: 3084483

Độc canh cây công nghiệp làm suy giảm đa dạng sinh học 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều nhà hoạch định chính sách lầm tưởng trồng cây công nghiệp là thay thế rừng. Nhìn mật độ che phủ thì sẽ không có sự khác biệt giữa rừng tự nhiên và rừng trồng, song rừng trồng không hội đủ các yếu tố như rừng tự nhiên nên đã xảy ra hiện tượng lũ quét nghiêm trọng về mùa mưa, hạn hán về mùa khô làm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và tiêu cực xã hội…

...Đất bị thoái hóa

Nếu chỉ nhìn vào mật độ che phủ, thì sẽ không có sự khác biệt giữa rừng tự nhiên hay rừng trồng. Tuy nhiên, tác động của nó đối với môi trường thì hoàn toàn khác hẳn. Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, các vườn cây công nghiệp không thể trồng với mật độ dày như rừng tự nhiên. Thêm vào đó, việc canh tác đòi hỏi phải thường xuyên làm sạch cỏ và cây tạp dưới tán lá, nhằm tập trung chất dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Do vậy, khả năng giữ nước của vườn cây công nghiệp không thể bằng rừng tự nhiên, thậm chí còn phải sử dụng nhiều nước hơn để tưới tiêu. Rừng tự nhiên được ví như tấm chăn, nó thấm nước khi mùa mưa đến, và nhả nước ra từ từ vào mùa khô.

Trong những năm gần đây, lũ quét liên tục xảy ra ở các tỉnh miền núi nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia, là do tình trạng phá rừng ồ ạt ở Tây Nguyên, để trồng cà phê và cây công nghiệp khác làm mất đi khả năng giữ nước trong mùa mưa. Đáng lo ngại nhất là nguy cơ thoái hóa đất. Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được, rừng không chỉ có tác dụng giữ nước, điều hòa khí hậu… mà còn có thể tự bồi dưỡng chất dinh dưỡng, làm màu mỡ đất đai. Trong khi đó, việc canh tác nông nghiệp lại không có khả năng này, trái lại nó còn có thể làm cho đất thoái hóa, nếu không được bổ sung dinh dưỡng bằng phương pháp nhân tạo. Một khi đất bị thoái hóa, những vùng đất rừng cũ sẽ dần biến thành đồng cỏ tranh, và theo thời gian cỏ cũng mất dần và chỉ còn lại vùng đất khô cằn bị sa mạc hóa.

Trong bản tuyên bố được ký bởi hơn 100 chuyên gia và sinh viên lâm nghiệp từ 29 quốc gia trên thế giới khẳng định: “Những khu đồn điền độc canh không phải là rừng”. Bản tuyên bố nhấn mạnh tác động của các đồn điền cây độc canh tới môi trường và xã hội, bao gồm tổn thất đa dạng sinh học, thay đổi chu trình nước, sản xuất lương thực giảm, thoái hóa đất, làm mất các nền văn hóa truyền thống và bản địa, xung đột với các công ty lâm nghiệp, giảm nguồn việc làm, gây ra hiện tượng di cư ở nông thôn và phá hoại các cảnh quan tự nhiên.

Gia tăng biến đổi khí hậu và gây suy giảm đa dạng sinh học

Các nhà khoa học cho biết những rừng cây sống lâu đời có thể chứa carbon trong hàng thế kỷ, trong khi những đồn điền và những khu rừng trẻ lại làm tăng lượng khí thải carbon do quá trình cày xới đất đai và sự biến mất hoặc suy thoái của hệ sinh thái trước đó. Khi một hệ sinh thái bị biến thành các đồn điền độc canh, tính đa dạng sẽ bị mất đi. Một khu rừng nguyên sinh chứa hàng triệu loài trong khi những vườn cây công nghiệp chỉ cho phép một vài loài định cư và sinh tồn. Việc chuyển đổi một phần rừng nguyên sinh thành đồn điền độc canh đã làm mất đi 25% số loài, các loài chim, lưỡng cư và bò sát cũng giảm 40% đến 60%, đó là chưa kể đến những mất mát tổng thể khác.

Ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội

Vấn đề về môi trường và xã hội tiềm ẩn do chịu tác động tiêu cực của những đồn điền độc canh, trong đó có các yếu tố như: Gây suy giảm nguồn nước do ảnh hưởng đến khả năng điều tiết nước, ô nhiễm nước và không khí do sử dụng thuốc trừ sâu và những chất hóa học nông nghiệp khác, kéo theo việc tái định cư và những hệ quả về sinh kế, môi trường, trật tự xã hội… Rất nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng trước đây đã từng có một cuộc sống truyền thống và bền vững trong hàng thế kỷ trước khi bị những vườn cây công nghiệp làm ảnh hưởng. Họ dựa vào đất đai của mình làm kế sinh nhai.

Một ấn phẩm gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển vùng Cực Tây (CEPEDES), một tổ chức phi chính phủ của Brazil đã liệt kê những tác động của các đồn điền cây ở Veracel tới nguồn nước, môi trường, công nhân và các cộng đồng địa phương. CEPEDES trích lời của một công nhân bản địa: “Tôi cảm thấy như bị tấn công khi hàng ngày phải nhìn thấy “biển cây bạch đàn”. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại phải chứng kiến các dòng suối, ao hồ cạn kiệt dần… Và chúng tôi chỉ có thể tìm thấy thiên nhiên tươi đẹp, hương sắc rừng cây và những đàn chim qua trí nhớ mà thôi”.