Đổi đời từ nghề nuôi cá giống
Được đăng : 03/11/2016
Đến thôn Hoành Sơn, xã Phi Mô huyện Lạng Giang, Bắc Giang sẽ thấy được không khí một chợ cá giống nhộn nhịp và nổi tiếng trong các tỉnh thành phía bắc. Thôn có 427 hộ thì có 120 hộ làm ao gột cá giống cho thu nhập cao, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm 30%.
Nuôi từ cá nhân đến làng
Những năm trước đây cánh đồng thôn Hoành Sơn chủ yếu cấy 2 vụ lúa nhưng cũng chỉ đủ tạm sống. Từ năm 1965 khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang chọn thôn Hoành Sơn làm địa điểm để xây dựng Trung tâm Giống thủy sản cấp I, hay người ta quen gọi là Trại giống Phi Mô. Đó là nơi cung cấp các giống cá cho những trại, ao, hồ chăn nuôi ở mọi miền về thu mua. Từ địa bàn cung cấp giống của Trung tâm giống thủy sản người dân đã nảy sinh cách làm ăn mới, đó là mua cá giống tại Trung tâm về gột giống. Năm 1993, người dân chuyển đổi từ ruộng trũng sang nuôi mạnh. Đến nay thôn có 50 hộ nuôi chuyên nghiệp thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm và 70 hộ nuôi cho thu nhập khá. Thôn Hoành Sơn có diện tích đất nông nghiệp là 82 ha, trong đó diện tích nuôi cá là 20 ha chiếm 60,6% diện tích mặt nước của cả xã.
Khi nói về người mở lối cách làm cho bà con trong thôn thì phải nói tới ông Khiếu Văn Khoa. Ông Khoa nuôi gột cá được 30 năm. Ban đầu ông nuôi với diện tích 700 m2 ở diện tích ao sẵn có của gia đình và đi nuôi nhờ ao. Năm 1987 khi thấy làm ăn có kinh tế và thu nhâp cao ông đấu thầu hồ của thôn rộng 20.300 m2. Mỗi một năm hồ cá của gia đình ông Khoa thu được 10 tấn cá giống và bán với giá 35.000 đồng/kg. Như vậy trừ chi phí gia đình ông Khoa thu lãi về được 300 triệu đồng. Năm 2008, ông Khiếu Văn Khoa tham gia vào Hợp tác xã xã Phi Môn được học hỏi thêm nhiều về cách nuôi trồng hiệu quả. Khi hỏi về cách làm, ông Khoa cho biết thêm: “Hồ nuôi của gia đình trước kia nuôi các loại cá. Từ khi phong trào làng nuôi mạnh ông chuyển đổi sang nuôi các loại cá đặc sản như cá trắm đen, cá năng, cá trôi, mè… có giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra phải luôn tận dụng và duy trì được độ chệch của nguồn nước từ 3m – 50cm”. Hiện ông Khoa là chủ nhiệm Hợp tác xã đa ngành nghề cựu chiến binh xã Phi Mô về nuôi trồng thủy sản. Ông là người năng động, nhiệt tình trong công việc. Ông cùng các hội viên tập trung đẩy mạnh thi đua sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm HTX của ông Khoa thu hoạch được 20 tấn cá giống và sản xuất cá dịch vụ 20 tấn ra thị trường, thu về gần 1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân chung của Hợp tác xã là 3 triệu/tháng/người.
Còn với ông Lê Văn Thu là một cựu chiến binh cuộc sống trước kia đói nghèo, khó khăn chồng chất. Từ khi ông tham gia vào Hợp tác xã cựu chiến binh xã, được tư vấn cách làm gột cá giống. Ông Thu mạnh dạn vay vốn và bắt tay vào làm 1,2 mẫu mặt nước do quy hoạch ruộng cấy lúa. Các loại cá được ông lựa chọn gột giống là cá trắm, trôi, mè, rô phi đơn tính… Mỗi năm thu nhập của gia đình ông đạt gần 100 triệu đồng. Hiện gia đình ông Lê Văn Thu là hộ gia đình sản xuất vượt khó vươn lên làm giàu tiêu biểu tại vùng quê này.
Hiệu quả rõ rệt
Đây là địa bàn thuận lợi cho việc bà con gột cá giống vì Trung tâm Giống thủy sản cấp I có nguồn nước sạch luôn lưu thông. Để tiện cho việc tổ chức điểm chợ bán cá giống thay cho từng hộ gia đình. Những hộ nuôi đã tập trung đầu tư 120 triệu đồng để xây dựng kênh mương thoát nước tại đầu thôn. Bà con mua giống cá bột về gột 20 ngày thành cá chân hương và gột 20 ngày bán cá giống, một chén cá trắm là 50.000 đồng, cá mè, trôi, trôi trường giang khoảng 30.000 đồng/chén, cá rô phi đơn tính 500 đồng/con…. Khi bán cá giống 1 chén cá đó sẽ thu được trung bình trên 1 tạ cá giống, bán với giá trung bình là 30.000 đồng/kg. Khi thả mật độ nuôi vừa phải, cứ 1 sào ao thả thu hoạch được 20 tạ cá. Như vậy với diện tích nuôi cá giống của thôn là 20 ha, thì một năm sản lượng cá của thôn xuất ra thị trường là 4000 tấn cá, thu về hàng tỷ đồng.
Từ việc làm ăn tự phát, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không cao. Thấy vậy, các ban ngành thôn, xã đã đứng lên thành lập tổ Phụ nữ nuôi trồng thủy sản trong thôn, thu hút được 65 chị em tham gia và tổ Hợp tác xã đa ngành nghề cựu chiến binh Phi Mô về nuôi trồng thủy sản có 35 xã viên, trong đó có 17 xã viên sản xuất dịch vụ cá giống. Hàng năm hai tổ hợp này thường xuyên kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện, khuyến nông cơ sở tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi chăm sóc cá giống đạt hiệu quả. Đầu năm 2010, Trạm Khuyến nông phối hợp với trường Trung cấp Thủy sản Bắc Ninh mở lớp trung cấp nghề nuôi trồng thủy sản tại thôn Hoành Sơn có 63 người tham gia.
Thời gian nuôi ngắn lợi nhuận cao và con cá đã giúp bà con nơi đây vươn lên làm giàu. Đến nay, tỷ lệ hộ đói nghèo thôn Hoành Sơn từ 50% năm 199 xuống còn 4,4% năm 2010. Thu nhập bình quân chung của thôn nay tăng lên ổn định 1 triệu đồng/tháng/người.