00:00 Số lượt truy cập: 3080499

Đồi hoang và những sắc hoa 

Được đăng : 03/11/2016
Trương Như Sơn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn sỏi đá Tiên Mỹ (Tiên Phước - Quảng Nam). Từ nhỏ Sơn đã yêu hoa, lớn lên, anh lại “bén duyên” với hoa. Và chính vùng cát nghèo Tây An đã giúp chàng trai trẻ trở thành tỷ phú.

Hoa đã giúp anh Sơn trở thành tỷ phú.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần theo mẹ xuống chợ Tiên Kỳ vào sáng 30 Tết, nhìn thị trấn nhỏ bé ngập tràn trong muôn sắc hoa, Sơn luôn mong muốn mình được sở hữu một chậu cúc vàng hay những cành hồng đỏ thắm. Tuy nhiên, khi ấy nhà cậu quá nghèo, không mua nổi một mâm ngũ quả cúng tổ tiên thì lấy đâu tiền cho con... chơi hoa.

Và cũng chỉ vì yêu hoa mà Sơn quyết định thi vào đại học nông nghiệp. Ra trường, gõ cửa nhiều nơi nhưng Sơn không được cơ quan nào thu nhận. Buồn chán, Sơn khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh kiếm kế sinh nhai. Lang bạt suốt 3 năm chốn Sài thành, công việc không ổn định mà thứ gì cũng đắt đỏ, Sơn quyết định quay trở về quê hương...

Giữa tháng 3/2004, trong một lần về Tây An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) thăm ngoại, băng qua những đồi cát trắng hoang hoá và đầy cỏ dại, Sơn tự hỏi, sao không trồng hoa bán Tết nhỉ? Nghĩ là làm, ngay lập tức anh đề xuất với chính quyền địa phương xin thuê 15.000m2 đất cát để thực hiện ý tưởng của mình. Nghe Sơn thuyết phục, mẹ anh quyết định bán cặp trâu cày rồi rút luôn ít tiền tích cóp bấy lâu để con trai... gieo mầm trên cát. Có được mặt bằng, tháng 6 năm đó, Sơn ôm 30 triệu đồng vội vã bắt xe lên Đà Lạt (Lâm Đồng) tìm mua giống về ươm hơn 3.000 chậu hoa các loại. Mưa thuận, gió hoà, vườn hoa của Sơn sinh trưởng, phát triển tốt, bông trổ đúng dịp Tết nên ngay vụ đầu tiên anh đã trúng lớn. Cầm khoản lãi hơn 80 triệu đồng trên tay, Sơn cứ tưởng mình đang... mơ.

Có tiền, anh quyết định thuê thêm 10 lao động để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tìm tòi, du nhập nhiều loài hoa mới mà thị trường Tết đặc biệt ưa chuộng. Năm nào vườn của Sơn cũng có không dưới 25.000 chậu hoa. Cần nói thêm, ở một số nơi, người trồng hoa “méo mặt” vì sâu bệnh gây hại, lũ lụt hoành hành thì nhờ địa hình cao ráo và đôi bàn tay cần mẫn chăm chút của chàng kỹ sư nông nghiệp, “vương quốc hoa” Tây An vẫn “bình yên vô sự”.

Trong căn chòi nhỏ giữa vườn hoa, Sơn kể với tôi rằng, từ ngày “bén duyên” với những “sứ giả mùa xuân” đến nay anh đã có trong tay 1,3 tỷ đồng. Phần của ông chủ là thở, còn với những người làm công, mỗi tháng họ cũng có thu nhập gần 2 triệu đồng/người. Cuộc trò chuyện giữa tôi và Sơn liên tục bị gián đoạn bởi máy điện thoại di động của anh đổ chuông liên tục. Sơn cho biết, đó là những khách “ruột” từ Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... gọi để đăng ký số lượng hoa. Năm nào cũng vậy, cứ sau 20 tháng Chạp là “vương quốc hoa” của Sơn sôi động hẳn lên. Những bóng đèn cao áp sáng rực, tiếng nói cười rộn rã, những chậu cúc Phượng hoàng, Filê Farm, Uyên thảo đẫm sương vội vã chất lên hàng chục chiếc xe tải rồi ầm ĩ lao đi giữa màn đêm tĩnh mịch. Sơn cho biết, ngoài những hợp đồng cung ứng đã ký, đưa ông Táo về chầu trời xong, anh thuê khoảng 60 người dân địa phương và mướn xe chuyển hoa xuống Nam Phước, vào Hà Lam, ra Vĩnh Điện, lên ái Nghĩa bán cho đến qua giao thừa. Tết Canh Dần này, với gần 50.000 chậu hoa các loại, doanh thu của “vương quốc hoa” đạt 1,6 tỷ đồng.

Trước lúc chia tay, tôi hỏi Sơn, đã có thu tiền tỷ, liệu anh có bỏ nghề trồng hoa để lựa chọn cho mình một hướng đi khác? Nhìn vào không gian bừng sáng với muôn hoa rực rỡ ấy, giọng Sơn chầm chậm: “Không bao giờ. Hoa đã thực sự mê hoặc tôi rồi!”. Hoa mê hoặc anh và hoa cũng đã mang đến cho anh sự sung túc. Lẽ nào anh lại nỡ “dứt tình” với “sứ giả mùa xuân”. Và, tôi biết, chàng kỹ sư trẻ này vẫn còn nung nấu khát vọng làm giàu trên vùng đất nghèo quê ngoại. Cầu mong, “vương quốc hoa” Tây An của Sơn sẽ càng rộng lớn hơn, tươi đẹp hơn ở những mùa xuân sau.