Ngày 3-8, tại tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với 22 tỉnh, thành phía Nam về việc ứng phó dịch heo “tai xanh” trong bối cảnh Long An xuất hiện 2 ổ bệnh ở huyện Cần Giuộc.
70% lây lan là từ vận chuyển
Trước kiến nghị của các tỉnh về việc tạm ngưng vận chuyển heo từ các tỉnh Khánh Hòa trở ra để các tỉnh phía Nam có thời gian ứng phó tốt hơn, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng, không ai đảm bảo tạm ngưng vận chuyển sẽ ngăn được dịch bệnh heo “tai xanh” lây lan. Vấn đề nằm ở khâu kiểm soát và kiểm dịch heo vận chuyển. 70% dịch bệnh lây lan từ đây. Dù cấm, nếu chưa kiểm soát được khâu này, việc vận chuyển trái phép vẫn xảy ra và dịch bệnh tiếp tục lây lan. Vì vậy, điều quan trọng là thú y các tỉnh và chính quyền từng địa phương cần làm tốt việc kiểm soát vận chuyển.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, mỗi ngày có trên 1.000 heo con từ các tỉnh miền Trung được đưa vào giết mổ và vận chuyển đến TPHCM cùng một số tỉnh khác tiêu thụ, nên nguy cơ rất cao vì không thể kiểm soát được hết các đường vận chuyển. Đã xảy ra hiện tượng, để qua mặt cơ quan kiểm soát, các tiểu thương vận chuyển theo kiểu: trên là cá, dưới là thịt heo (đã giết mổ). Do thú y TPHCM kiểm soát chặt chẽ nên họ vận chuyển vào vùng sâu các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long để tiêu thụ.
Việc xảy ra 2 ổ dịch ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An gần như cùng một lúc chính là từ hình thức vận chuyển này. Vì vậy, đến nay khẳng định, virus PRRS ở Long An là độc lực mạnh, nguồn gốc từ miền ngoài vận chuyển vào và chỉ có thể tiêu thụ ở những vùng nông thôn, hẻo lánh. Chi cục thú y các tỉnh đề nghị bộ nên có hướng dẫn cụ thể về loại bệnh này.
Cần có vũ khí “bén” hơn
Phó Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6, tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình cho rằng, tình hình đã đến mức nguy cấp, nếu chậm xử lý sẽ làm lây lan cả diện rộng, vì khu vực này có tổng đàn heo rất lớn, nhất là đàn giống quốc gia. Dịch bệnh xảy ra, không chỉ gây heo chết hàng loạt mà hậu quả lâu dài còn lớn hơn, toàn bộ đàn giống bị thoái hóa, mang mầm bệnh, ít nhất phải 2 năm sau mới có thể phục hồi lại ban đầu.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 7 Nguyễn Bá Thành cho rằng, toàn vùng gồm 10 tỉnh, từ Vĩnh Long trở xuống có khoảng 2,7 triệu con heo, trừ những trại giống, một số ít là trại công nghiệp, nhưng vẫn chưa đảm bảo vệ sinh thú y, còn lại là ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, vệ sinh chuồng trại kém, tạm bợ, tỷ lệ tiêm phòng các bệnh có khả năng kế phát từ virus PRRS cao như dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Tỷ lệ tiêm phòng các loại bệnh thấp, nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm dịch vận chuyển đường bộ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã khó, càng thêm khó đối với kiểm dịch đường thủy, do hệ thống sông ngòi chằng chịt như đan lưới.
Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Tiền Giang Trần Việt Nga bức xúc, không thể chậm trễ hơn nữa, cần sớm có mô hình thanh tra chuyên ngành chính quy, và điều quan trọng hơn, cần có thứ vũ khí “bén hơn”, xử phạt những hộ nuôi không chấp hành quy định, để xảy ra dịch bệnh và làm lây lan.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho rằng, bài học từ Long An cho thấy, nếu phát hiện sớm và tiêu hủy ngay thì có thể khống chế không để lây lan. Nếu chần chừ để chữa trị như Quảng Nam làm dịch bệnh lây lan diện rộng, lên đến vài chục ngàn con.
Khuyến cáo các hộ nuôi chưa sử dụng vaccine virus PRRS để tiêm phòng, do hiện nay đàn heo trong nước hiện diện nhiều chủng virus khác nhau: từ châu Âu, Bắc Mỹ (độc lực thấp) và từ Trung Quốc (độc lực cao). Vì vậy, chủ yếu là phòng vệ từ các loại bệnh kế phát như dịch tả, tụ huyết trùng, thương hàn… Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, dù lo phòng chống bệnh heo “tai xanh”, nhưng không lơ là với dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng cũng có nhiều nguy cơ xuất hiện trở lại.