00:00 Số lượt truy cập: 2668302

Đồng Luông thoát nghèo nhờ đa dạng cơ cấu cây trồng 

Được đăng : 03/11/2016

Đồng Luông cách trung tâm xã Quảng Chu (Chợ Mới - Bắc Kạn) hơn 5 km, đây là bản định canh định cư gồm các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng và Cao Lan sinh sống. Cách đây khoảng 6 năm Đồng Luông được biết đến là một thôn nghèo đói và lạc hậu.


Trai, gái ở đây lấy vợ, lấy chồng khá sớm và sinh đẻ nhiều, nhiều cặp vợ chồng còn rất trẻ nhưng đã có 6 - 7 mặt con. Đất canh tác chủ yếu là đất đồi và nương rẫy, trình độ canh tác thấp và thiếu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất cây trồng đạt thấp, kéo theo đó là cái đói cái nghèo cứ đeo bám, không dứt ra được. Trước thực trạng đó, để giúp cho người dân Đồng Luông thoát nghèo chính quyền địa phương đã ưu tiên đưa nhiều chính sách đầu tư của Nhà nước, như Chương trình 135, Chương trình 134, các nguồn vốn định canh định cư, dự án hỗ trợ người nghèo cách làm ăn v.v.

Trong sản xuất nông nghiệp, ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng nhiều mô hình trình diễn để nhân dân học tập và nhân rộng. Diện tích đất canh tác có 58 ha, trong đó đất ruộng cấy lúa có 17ha, diện tích còn lại là đất đồi, đất soi bãi. Để nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, khắc phục thiếu về lương thực, Đồng Luông đã triển khai quy hoạch vùng trồng cây lương thực, mỗi loại đất đưa vào trồng một loại cây phù hợp, đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, khai thác tối đa hiệu quả diện tích đất canh tác. Hiện thôn đã phân ra 4 vùng trồng 4 loại cây chính là: Lúa nước, ngô, sắn và mía. Cùng với đó, tập trung thay đổi cơ cấu giống, loại bỏ những giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp và thay vào đó là các loại giống mới tiến bộ như: Ngô CP999, CP888, DK4300, NK54, lúa lai hai dòng, tạp giao.v.v.

Tập quán canh tác cũng được thay đổi, cây trồng được đầu tư phân bón và chăm sóc theo khoa học. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng cây trồng tăng nhanh. Ông Triệu Xuân Tiến – Trưởng thôn cho biết: Vài năm gần đây năng suất các loại cây trồng tăng khá nhanh, mỗi năm thu đuợc hơn 100 tấn sắn, gần hai trăm tấn ngô, cây mía được người dân tự chế biến ra đường phên để bán, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, cuộc sống của người dân đã no đủ hơn, không còn thiếu đói lương thực như trước. Vụ sắn năm 2006, nhiều hộ thu từ 5 đến 7 triệu đồng, có hộ thu được chục triệu đồng.

Bên cạnh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Đồng Luông tập trung khai thác diện tích đất đồi rừng để phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán thâm canh. Vừa qua, có 11 hộ được vay tiền ngân hàng được tỉnh hỗ trợ lãi suất trong 3 năm để mua 11 con bò về chăn nuôi. Hướng phát triển đàn trâu, bò của Đồng Luông là vận động từng gia đình khai thác diện tích đất vườn, đất đồi tạp để quy hoạch vùng trồng cỏ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt. Thường xuyên tuyên truyền kiến thức về phòng, chống dịch bệnh gia súc để nâng cao kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc trong nhân dân.

Theo Trưởng thôn Triệu Xuân Tiến, nhờ có sự đầu tư của Nhà nước và hướng phát triển đúng trong sản xuất, chăn nuôi nên trong bốn năm nay trong thôn không có hộ nào rơi vào cảnh thiếu đói. Nhiều hộ, nhờ chăn nuôi và trồng ngô đã xây được nhà mái bằng kiên cố, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, tivi, tủ lạnh .v.v.

Hiện trong 86 hộ dân đã có 85% số hộ mua được xe máy phục vụ đi lại và vận chuyển lương thực ra chợ huyện bán hoặc mua các nhu yếu phẩm cần thiết, tạo ra sự giao lưu thông thương giữa thôn ĐCĐC này với trung tâm xã, huyện và các địa phương lân cận, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù hiện nay, Đồng Luông đã có sự phát triển nhiều so với trước, tuy nhiên trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36%, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trình độ dân trí và điều kiện tiếp cận cái mới, cái tiến bộ xã hội còn hạn chế.

Vì vậy, Đồng Luông rất cần sự tiếp tục đầu tư của Nhà nước về hạ tầng cơ sở, các chính sách hỗ trợ trong sản xuất, chăn nuôi để bản định, canh định cư này sớm thoát nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.