Thị trường thuốc sinh học ở Đồng Nai hiện khá phong phú với hơn 50 loại thuốc sinh học, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, tăng dưỡng chất cho cây trồng, trong đó có nhiều loại thuốc sử dụng mang lại hiệu quả cao, giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh và năng suất được cải thiện rõ rệt, như Trichoderma, Bemetent, Chtosan, Biorat...Bà con nông dân ở 2 huyện miền núi Tân Phú và Định Quán - nơi có diện tích trồng quýt tập trung lớn nhất tỉnh Đồng Nai với diện tích hơn 3.000 ha đang sử dụng nấm đối kháng và chuyển quýt chính vụ sang trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, để hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh thối gốc, chảy mủ trên cây quýt đang lan rộng, bà con nông dân đã dùng nấm đối kháng Trichoderma trộn với phân hữu cơ sinh học để bón xung quanh gốc quýt mỗi tháng 1 lần. Cùng với biện pháp trên, vào đầu mùa mưa sau khi vệ sinh vườn quýt, bón thêm các loại phân vô cơ như vôi, supe lân, NPK để cây tăng sức đề kháng, hạn chế sâu bệnh. Bằng phương pháp trên, bệnh thối gốc chảy mủ trên cây quýt đã giảm hẳn, làm cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhiều bà con nông dân vùng chuyên canh bưởi ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cho biết: Trước đây hầu như chỉ dùng thuốc hóa học phòng trừ bệnh cho cây với mỗi năm tốn 3-4 triệu đồng để mua thuốc trừ sâu, song vườn cây vẫn không hết bệnh. Từ năm 2007, khi chuyển qua dùng thuốc trừ sâu sinh học thì thấy sâu bệnh giảm hẳn và cây bưởi phát triển tốt hơn. Do đó, năng suất của vườn bưởi tăng thêm 4-5 tạ/ha/năm. Dùng thuốc sinh học ngoài phòng trừ sâu bệnh tốt hơn, thì chất lượng nông sản cũng ít bị tồn dư các chất độc hại và môi trường cũng giảm được ô nhiễm. Ông Phạm Trọng Thủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc cho biết: Hiện nay, đa số các xã viên của HTX đều dùng thuốc, chế phẩm sinh học trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây rau. Việc dùng thuốc sinh học giúp rau cho năng suất cao hơn, thời gian cách ly từ khi phun xịt thuốc đến khi thu hoạch được rút ngắn và chất lượng rau luôn đảm bảo.
Vài năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai đều thực hiện các mô hình điểm về sử dụng thuốc sinh học và tập huấn cho nông dân phương pháp dùng. Đa số nông dân các HTX sản xuất nông nghiệp, các câu lạc bộ năng suất cao đang chuyển dần qua dùng thuốc sinh học. Tuy nhiên, nông dân ở một số nơi vẫn chưa đồng loạt sử dụng thuốc sinh học, vì thuốc sinh học vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như: giá đắt, bảo quản khó, cơ chế tác động chậm và phụ thuộc nhiều vào điều kiện môi trường. Giải thích về điều trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết: Thực tế, thuốc sinh học giá còn cao là do nông dân sử dụng chưa đồng loạt nên các nhà máy phải sản xuất kiểu thăm dò thị trường, chi phí đầu vào cao. Tuy nhiên, những hộ đã dùng thuốc sinh học cho biết, giá tuy cao nhưng hiệu quả lâu dài, nông dân giảm được số lần phun thuốc. Do đó, so với dùng thuốc hóa học thì chi phí vẫn thấp hơn. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc sinh học giúp chất lượng nông sản được đảm bảo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và sẽ thuận lợi hơn khi xây dựng mô hình GAP cho cây trồng.