00:00 Số lượt truy cập: 3193429

Đồng Nai: trồng tre Bát Độ lấy măng, tăng thu nhập 

Được đăng : 03/11/2016

Chất lượng măng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp nhất trên vùng đất đỏ bazan với năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha/năm, cho doanh thu hàng năm hơn 80 triệu đồng/ha, đó là kết quả thu được từ việc ứng dụng mô hình trồng tre Bát Độ lấy măng của nhiều hộ dân ở Long Khánh, Đồng Nai…

 


Năm 2002, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã đưa cây tre Bát Độ về trồng thử nghiệm để nhân giống nhằm nghiên cứu khả năng sinh măng của cây tre Bát Độ và phương thức quản lý phù hợp để nâng cao năng suất măng. Tháng 3/2003, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã tiến hành trồng thử nghiệm tre Bát Độ trên 3 vùng đất chủ yếu của Đồng Nai gồm: Đất đỏ Bazan (ở huyện Long Khánh), đất xám (huyện Long Thành) và đất Ferralit (huyện Vĩnh Cửu). Sau 3 năm theo dõi cho thấy khả năng sinh trưởng và phát triển của loại tre này rất thích hợp trên vùng đất đỏ Bazan ở huyện Long Khánh.

Ông Hồ Ngọc Tố, ở ấp Tân Phong, xã Xuân Tân, huyện Long Khánh là một trong những hộ đầu tiên ứng dụng mô hình trồng tre Bát Độ lấy măng hiệu quả. Sau 38 tháng đặt hom giống xuống, đường kính trung bình của bụi tre là 125 cm, chiều cao tre đạt 11 mét, số măng bình quân là 17 măng/bụi tre, bụi nhiều nhất đạt 29 măng/bụi. Ông Tố phấn khởi cho biết: "Từ tháng 8/2003 gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông giao cho giống tre này để trồng thử nghiệm trên diện tích 6.000 m2, chỉ khoảng 1 năm là đã có măng bán rồi. Một mùa măng (khoảng 1 năm) tôi thu hoạch được khoảng hơn 20 tấn măng. Theo tính toán của ông Tố, trong khoảng 2 năm đầu ông tập trung vào theo dõi và ươm giống nên sản lượng thu hoạch chưa cao, nhưng từ năm thứ 3 thì măng bắt đầu cho năng suất cao và đều. Không giống loại tre gai, Lục Trúc, hay Điền Trúc, tre Bát Độ cho năng suất cao hơn hẳn, chất lượng măng ngon, lại có hàm lượng dinh dưỡng cao nên giá bán trung bình vào khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg. Nhiều người dân ở quanh xã Xuân Tân, Long Khánh cũng xác nhận: "Măng ăn rất ngon, dòn, vị ngọt, không cần nấu kỹ như các loại măng khác lại dễ chế biến, có thể ăn tươi, làm măng chua măng dòn hay măng muối... nên rất nhiều người muốn thu mua bán buôn thu lợi nhuận cao". Bà Liên Hoa (vợ ông Tố, chủ hộ trồng măng) cũng khoe: "Vào đầu mùa, măng bán được giá từ 5000-6000 đ/kg, nhưng vào vụ trái mùa có khi giá măng vọt lên 10.000-16.000 đ/kg không chừng".

Nhận định của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai: Chất lượng măng ngon, giá thành cao, lại có giá trị xuất khẩu trong khi vốn đầu tư lại ít, kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản với mật độ trồng 400cây/ ha, cự ly trồng là 5x5 m, mỗi bụi tre khoảng 3-5 cây; chu kỳ tưới nước là 10 ngày/lần với lượng nước là 30-40lít/gốc. Chế độ bón phân năm đầu chỉ cần bón lót phân hữu cơ và vô cơ, đến năm thứ 2, 3 bón phân vô cơ và năm thứ 4 thì bón phân hữu cơ vi sinh để cải thiện tình hình đất đai. Người trồng cũng có thể tự nhân giống tre để trồng bằng cách nhân hom gốc (gồm 1 phần thân tre có 3 lóng dài từ 80-100 cm, đường kính từ 8 cm trở lên, ươm từ 3-4 tháng là có thể đem trồng; hoặc cũng có thể nhân giống bằng hom thân, hom cành).

Từ hiệu quả tại mô hình trồng thí điểm của hộ ông Hồ Ngọc Tố, rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan học tập về ứng dụng kỹ thuật trồng tre Bát Độ. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai đến nay cũng đã tổ chức được hàng chục lớp tập huấn về kỹ thuật trồng tre Bát Độ cho nông dân ở các huyện trong tỉnh. Và hiện nay diện tích trồng tre Bát Độ ở Đồng Nai cũng đang phát triển mạnh với khoảng 150 ha.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó GĐ TTKN Đồng Nai: Việc nhân rộng mô hình này phải theo nhu cầu của người dân và đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu. Chúng tôi sẽ cung cấp hom dạng thô miễn phí cho nhu cầu nhân giống của tỉnh với số lượng 3.500 hom/ha/năm (2007-2008); đồng thời sẽ tổ chức nhân và cung ứng giống cho các cá nhân và đơn vị trong tỉnh có nhu cầu.