00:00 Số lượt truy cập: 2661500

Đồng Tiến ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Trong những năm gần đây, xã Đồng Tiến (Phổ Yên-Thái Nguyên) luôn là một trong những địa phương mạnh dạn đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa những loại giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, ổn định và nâng cao dần mức sống của nhân dân.


Đồng chí Lý Thái Việt, Bí thư Đảng uỷ- Chủ tịch HĐND xã Đồng Tiến, cho biết: xã chỉ chỉ có 620 ha đất dành cho sản xuất nông nghiệp, nên bà con nông dân không từ bỏ tập quán canh tác cũ chỉ trông vào cây lúa truyền thống thì đời sống sẽ rất vất vả. Từ năm 2000 trở lại đây, người dân đã mạnh dạn tham gia các chương trình, dự án về nông nghiệp, chịu khó tìm tòi, học hỏi, ứng dụng những giống cây cho năng suất, chất lượng cao được thị trường ưa thích vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.

Cụ thể vào năm 2005, thực hiện chương trình đưa giống lúa mới AC5, N46 của Viện Cây lương thực Việt Nam vào trồng khảo nghiệm, một số hộ dân trong xã tham gia chương trình với tổng diện tích gieo trồng khoảng 2 ha tại xóm Quán Vã 2, xóm Dẫy (miền Quảng Ninh), xóm Đình, xóm Giữa (miền Thanh Quang)... 4 tạ giống nông dân trồng được Viện cung cấp miễn phí. Qua đánh giá, các giống lúa này cho năng suất từ 48-50 tạ/ha, tỷ lệ sâu bệnh ít, chịu hạn tốt, chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm, được người tiêu dùng ưa thích. Hiện nay, trên thị trường giá gạo bao thai khoảng trên 6.000 đồng/kg, còn loại gạo thơm khoảng trên 10.000 đồng/kg. Chính vì loại gạo này có giá trị cao như vậy nên trong thời gian tới, giống lúa này sẽ được nông dân gieo trồng đại trà tại địa phương thay cho giống Khang Dân cũ đã bị thoái hoá.

Với thuận lợi có kinh nghiệm trồng đỗ tương lâu năm, lại được Trung tâm Chuyển giao KHKT thuộc Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam ký hợp đồng sản xuất giống đỗ tương DT 99, DT 84, nên có thời điểm toàn xã phát triển trồng đỗ tương giống lên đến 60 ha. Cũng theo chương trình của Viện Cây lương thực Việt Nam, 2 năm nay 1 số hộ dân đưa vào trồng thử nghiệm giống dưa hấu Hắc mỹ nhân. Ông Tạ Duy Hiển, xóm An Bình là 1 trong những hộ tham gia chương trình cho biết: Ăn dưa hấu thì đã lâu nhưng tham gia trồng thì đây là lần đầu tiên. Khi mới trồng tôi cũng lo lắm nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Viện tôi đã trồng thành công loại dưa hấu này. Khi thu hoạch, được mọi người đánh giá chất lượng quả ngon, màu sắc đẹp, tôi mang ra chợ Phổ Yên bán với giá 4.500 đồng/kg. Qua so sánh tôi thấy cùng 1 diện tích thì trồng dưa hấu có trị giá cao gấp 4 lần so với cây lúa. Không chỉ đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xã còn vận động người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi. Dự án “Cải thiện hệ thống sản xuất khoai lang- lợn ở Việt Nam” của Viện chăn nuôi Việt Nam là ví dụ. Dự án này là kết quả nghiên cứu của Viện về cách chế biến, bảo quản và sử dụng khoai lang và các nguyên liệu khác làm thức ăn cho lợn thịt. Cũng theo ông Hiển- người áp dụng thành công biện pháp chăn nuôi này từ năm 2000 đến nay cho hay: Đối với khoai lang, trước đây lợn hay trâu bò ăn đều bị đi ngoài, sổ lông nhưng từ khi tôi áp dụng phương pháp chăn nuôi này thấy hiệu quả rõ rệt. Lợn ăn các loại dây lá, củ khoai lang được chế biến theo phương pháp ủ chua tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó mình lại tận dụng được những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, giảm chi phí, tốn ít thời gian vì không phải nấu cám...

Việc áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất đã giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Hiệu quả đã thấy rõ nhưng thiết nghĩ, để việc đưa những thành tựu KHKT mới vào sản xuất, Đồng Tiến cần quy hoạch chi tiết, hình thành dần những vùng chuyên canh sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao như rau sạch, hoa, cây cảnh, cây đậu tương, khoai tây… mang tính hàng hoá phục vụ cho các khu đô thị, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận, phấn đấu đến năm 2010 có 50% diện tích đất canh tác có giá trị thu nhập 50 triệu đồng/ha.