00:00 Số lượt truy cập: 2667435

Đồng Xuân (Phú Yên): Trồng sắn theo hướng bền vững ven sông Kỳ Lộ 

Được đăng : 03/11/2016
Trận lũ lịch sử tháng 11/2009 làm nhiều diện tích đất dọc sông Kỳ Lộ bị bồi lấp và bào mòn. Sau lũ, ngành nông nghiệp địa phương cải tạo đất sản xuất cho bà con nông dân, tuy nhiên vùng đất mới hồi sinh này còn “kén” cây trồng. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.


Mô hình trồng sắn hom đôi ven sông Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) - Ảnh: H.NAM

Mô hình trồng sắn bền vững trên diện tích gần 3 ha đất cát ven sông Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 2 với 16 hộ tham gia. Kết quả, mô hình trồng sắn hom đôi cho năng suất hơn 42 tấn/ha, tăng hơn giống đối chứng 162%, lãi ròng thu được gần 30 triệu đồng/ha. Còn mô hình trồng sắn hom đơn năng suất đạt trên 30 tấn/ha, tăng hơn so với đối chứng 20%, lãi ròng thu được gần 18 triệu đồng/ha. Trong khi đó, sắn trồng hom đơn ngoài mô hình (đối chứng) năng suất chỉ đạt 25,5 tấn/ha, lãi ròng 14 triệu đồng/ha.

Trồng sắn mô hình áp dụng các tiến bộ, biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất như chọn giống tốt, bón phân hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và kỹ thuật trồng xen canh.

Sau trận lũ cuối năm 2009, nhiều diện tích đất ven sông Kỳ Lộ bị bào mòn, bồi lấp, sau khi cải tạo đất thì chưa thích nghi với cây trồng. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, vùng đất ven sông Kỳ Lộ là đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ (đất cát pha thịt nhẹ) nên khả năng giữ nước kém, vì vậy sau khi nước rút hoặc đến mùa khô thì bị khô hạn nên cây trồng thiếu nước. Trong điều kiện khó khăn khâu tưới nước, giải pháp “sống chung” với khô hạn bằng cách trồng cây ngắn ngày sử dụng ít nước. Vấn đề đặt ra ở mô hình trồng sắn ven sông là có sự chuyển đổi luân canh, xen canh để tạo khả năng chịu hạn, chu kỳ canh tác và thời kỳ sinh trưởng phù hợp nhằm tránh né bão lụt. Theo đó, trồng sắn trong thời gian 9 tháng, bắt đầu từ tháng 2 và thu hoạch trước tháng 11. Ông Huỳnh Vân Bình ở thôn Phú Sơn (xã Xuân Quang 2) tham gia mô hình, cho biết: “Lâu nay nông dân bắt đầu trồng sắn từ tháng 4 đến tháng 5 năm trước và thu hoạch tháng 3, tháng 4 năm sau. Trồng như vậy cây sắn trải qua mùa mưa lũ, số diện tích gần sông bị ngập lụt, lũ ngâm nhiều ngày gây ngã đổ, lúc đó sắn củ còn non nên nũng thối. Còn mô hình trồng sắn mới đã “chạy lũ” được, thu hoạch trước mùa lũ”. Còn ông Nguyễn Cường, Trưởng thôn Phú Sơn cho rằng: Mô hình này giúp nông dân nắm vững kỹ thuật trồng sắn hom đôi, tăng hiệu quả kinh tế, sử dụng hợp lý từng chân đất. Bên cạnh đó, làm thay đổi tập quán trồng trọt của bà con nông dân, tăng cường khả năng thích ứng vùng ngập lụt.

Trước đó, mô hình trồng bắp lai ven sông Kỳ Lộ được thực hiện tại thôn Phước Huệ (xã Xuân Quang 2) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ hạn chế được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết đến quá trình sinh trưởng. Với các giống bắp lai MX2, C919 cho năng suất gần 36 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với giống bắp địa phương. Bà Đỗ Thị Năm ở thôn Triêm Đức cho hay: “Lâu nay trồng bắp ven sông năm nào mưa thuận lợi thì có ăn, còn nắng thì bắp chỉ trổ cờ mà không có trái. Còn mô hình này dùng nước bơm tưới, mỗi vụ đều ăn chắc, trái to”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cho rằng: “Đây là dự án do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tại Việt Nam tài trợ. Dự án thử nghiệm các mô hình canh tác phù hợp với vùng đất ven sông, giúp nông dân canh tác sắn tăng khả năng thích ứng với vùng ngập lụt, góp phần giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích. Để mô hình đạt hiệu quả, bà con nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ, áp dụng kỹ thuật bón phân đúng quy trình”.