00:00 Số lượt truy cập: 3041855

Đồng bằng sông Cửu Long: Đỏ mắt tìm... kho trữ lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Trước tình hình tồn đọng lúa hè thu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải khẩn trương thu mua lúa cho dân. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bà con vẫn như “ngồi trên đống lửa” khi nhìn từng bao lúa bị ẩm mốc, nảy mầm. Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao đã hơn một thập niên rồi mà tình trạng bảo quản lúa, gạo bằng các kho chứa vẫn bị xem nhẹ?

Câu chuyện hơn 10 năm vẫn mới

Vụ đông xuân năm 1997, ĐBSCL tồn đọng hơn 4 triệu tấn lúa hàng hóa. Cũng trong thời gian này, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ vốn mua gạo xuất khẩu và các doanh nghiệp phải mua hết lượng lúa hàng hóa cho nông dân với giá 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, toàn bộ kho chứa (silo) tại ĐBSCL thời điểm đó chỉ có thể tiếp nhận 388.400 tấn, tức là đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Vì vậy, việc thu mua nhanh số lúa hàng hóa của nông dân ở thời vụ thu hoạch 4-5 triệu tấn là quá tải, doanh nghiệp không thể thực hiện được. Lúa ứ đọng đến tháng 5, và tất nhiên giá hạ thấp rất nhiều. Vụ đông xuân năm ấy, nông dân ĐBSCL thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Năm 2004-2005, chợ trung tâm nông sản Thanh Bình (Công ty Lương thực Đồng Tháp), được xem là chợ đầu mối lúa, gạo lớn nhất ĐBSCL đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chợ cũng chỉ đầu tư được 2 kho chứa gạo, với tổng công suất 25.000 tấn.

Đến nay, ĐBSCL chỉ có 3 silo tại Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, tổng công suất 30.000 tấn, còn lại, hầu hết các doanh nghiệp phải sử dụng kho thu mua lúa gạo từ thời bao cấp để dự trữ.

Các doanh nghiệp cho biết, một vấn đề rất bức xúc hiện nay là thiếu kho trữ gạo trầm trọng, những kho đang sử dụng hầu hết không đạt chuẩn. Trong khi đó, việc đầu tư xây kho mới ít được quan tâm.

“Hậu phương có vững, tiền tuyến mới mạnh"

Chúng ta đã làm nên kỳ tích trong xuất khẩu lúa gạo khi vượt đích 1 tỉ USD kim ngạch (mới 9 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu lúa gạo đã đạt 2,44 tỉ USD). Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất của ngành lúa gạo ở ĐBSCL vẫn đang ứng dụng kỹ thuật canh tác rất thô sơ, chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Chỉ một số ít nông dân sử dụng máy cày, máy cấy. Lại càng hiếm thấy giàn máy sấy, dãy silo có sức chứa hàng nghìn tấn để trữ lúa, gạo.

GS.TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam trăn trở: “ở ĐBSCL, hệ thống kho dự trữ lúa gạo của nông dân chỉ có khả năng giữ trung bình 2 tháng/năm là rất đáng lo ngại...”.

Các chuyên gia lúa gạo cho rằng, để ngành sản xuất lúa gạo phát triển bền vững, ĐBSCL nên nghiên cứu cách làm của Thái Lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đó là các chính sách bảo hộ nông phẩm cho người sản xuất, điều hòa cung cầu khi giá gạo biến động, cho vay thế chấp bằng gạo khi giá gạo trong nước giảm mạnh... Bên cạnh sản xuất, Thái Lan còn có những biện pháp hỗ trợ xuất khẩu như cho nhà sản xuất gạo vay vốn dài hạn với lãi suất thấp, nhà nước mua lại gạo của các nhà xuất khẩu, chịu chi phí lưu kho, bảo quản, vận chuyển khi giá gạo thế giới giảm; trực tiếp đàm phán các hiệp định gạo với chính phủ nước ngoài nhằm mở rộng thị trường. Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, Nhà nước chú trọng tiêu chuẩn hóa các cơ sở xay xát, đầu tư công nghệ chế biến như hệ thống kho tàng, bảo quản...

Muốn nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu cùng tạm trữ gạo, chờ giá lên thì phải có cơ sở kho tàng và tài chính để tồn trữ lúa gạo. Hiện nay, ĐBSCL chỉ có khả năng tồn trữ khoảng 500.000 tấn lúa, gạo. Với sản lượng lúa, gạo hàng hóa lên tới hàng triệu tấn như hiện nay, ĐBSCL phải có khoảng 40 silo (mỗi silo chứa 10.000 tấn). Số tiền đầu tư cho mỗi silo là 3,7 triệu USD, như vậy, để có 40 silo, ĐBSCL phải chi hơn 100 triệu USD. Đây là số tiền lớn nhưng mang lại hiệu quả cao nếu Nhà nước lấy tiền thu thuế xuất khẩu gạo hoặc lợi nhuận từ xuất khẩu gạo để đầu tư xây dựng silo. Các silo này có thể dự trữ lúa, gạo không chỉ vài tháng mà có thể kéo dài hàng năm, chờ cơ hội tốt để xuất khẩu. Điều đó không chỉ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp đầy kho không còn chỗ thu mua lúa cho nông dân như hiện nay, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh về giá gạo trên thị trường quốc tế.