Mấy ngày qua, giá lúa tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục sụt giảm một cách thê thảm khiến cho hàng ngàn nhà nông khóc ròng.
Nhà nông lo sốt vó
Ngày 30/8/2013, giá thu mua lúa các loại ở ĐBSCL hiện ở mức dao động từ 5.200 - 5.600 đồng/kg, giảm 200 - 500 đồng/kg so cách nay 10 ngày; gạo nguyên liệu các loại ở mức 6.700 - 7.200 đồng/kg, giảm 100 - 200 đồng/kg so tuần trước.
Giá lúa giảm mạnh khiến nhà nông khóc ròng.
Lúa tươi các loại được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 4.200 - 5.400 đồng/kg tuỳ loại, giảm 200 - 500 đồng/kg; đơn cử giá thu mua lúa IR 50404 hiện ở mức 4.200 - 4.350 đồng/kg, OM 6976: 4.500 - 4.600 đồng/kg, lúa thơm nhẹ OM 4900: 5.300 - 5.400 đồng/kg… Tại xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nhiều bà con ND đang tất bật thu hoạch lúa vẻ mặt buồn thảm vì bị thương lái ép giá, làm khó. Lão nông Tám Thành than thở: "Cả nhà làm 14 công lúa nhưng hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ chính sách thu mua tạm trữ. Giá lúa ở đây các thương lái chỉ mua với giá từ 4.200 - 4.300 đồng/kg. Trong khi đó, người trồng lúa phải gòng gánh nhiều khoản phí đầu vào như tiền thuê cắt 250.000 đồng/công; thuê trâu kéo 100.000 đồng/công, còn nào là tiền sấy, tiền suốt…".
"Một bất cập nhất hiện nay là trong khi ND bán lúa thì doanh nghiệp lại mua gạo dẫn đến sự "tréo ngoeo", chính vì điều này vô hình chung tạo điều kiện cho cánh thương lái ép giá ND. Để hạt lúa đến được tay doanh nghiệp người ND phải bán qua nhiều tầng lớp. Để cho chính sách đi vào thực tế, nhà nước nên đầu tư đúng cho nhà nông những chính sách cụ thể, hợp lý, nếu không người trồng lúa sẽ khổ dài dài" - lão nông Nguyễn Văn Hồng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ phàn nàn. Hiện nay, nhiều ND ở các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Long An… một vài nơi bà con ND đang tất bật thu hoạch lúa để "chạy" lũ. Cũng chính vì giá lúa "bất ngờ" quay đầu sụt giảm nhanh khiến cho nhiều thương lái ở ĐBSCL chấp nhận "ngặm đắng" bỏ tiền đặt cọc từ đầu tháng 8, do đón đầu giá.
Nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân
Có nhiều ý kiến đề xuất rằng: Thay vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ thì nên hỗ trợ trực tiếp cho ND thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng chỉ nên tập trung vào việc mua tạm trữ lúa chứ không nhất thiết phải mua tạm trữ gạo, mua gạo không kích thích mua lúa trong dân. Việc mua tạm trữ lúa sẽ tạo điều kiện để tổ chức sản xuất gắn kết với nhau, chủ động trong việc đàm phán để xuất khẩu gạo.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: "Sẽ nghiên cứu khuyến khích thương nhân, doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản xuất, gắn với người sản xuất lúa để ND đạt được nhiều lợi ích hơn gắn với cánh đồng mẫu lớn". | Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang phân tích: "Việc mua lúa khả năng lưu trữ kéo dài thời gian hơn, tạo điều kiện mua trực tiếp trong ND. Mua tạm trữ lúa sẽ gắn liền doanh nghiệp với vùng nguyên liệu, gắn liền với sản xuất và tiêu thụ". Theo Sở Công thương các tỉnh, thành ĐBSCL từ đầu năm đến nay, không riêng gì ND gặp khó về giá lúa, mà tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. |
"Lúa, gạo đang là câu chuyện nóng, Chính phủ nên mua tạm trữ 20% - 30% sản lượng/vụ. Các doanh nghiệp VFA phải mua dự trữ 20% - 30%, hỗ trợ ND dự trữ 10% - 20%/vụ. Số còn lại lưu thông mua bán là hợp lý, giảm bớt áp lực ùn ứ lúa hàng hóa" - ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đề xuất.