Tết cận kề, nông dân cần tiền mua sắm, trang trải công nợ, hơn hết là đầu tư vụ đông xuân gieo sạ cho kịp mùa vụ. Ấy vậy mà suốt nhiều tháng nay, lúa đầy bồ nhưng càng ngóng lại càng mất bóng doanh nghiệp, thương lái vào đong
Tại xã biên giới Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An, giáp ranh với Tân Hồng, Đồng Tháp, có khá nhiều “điền chủ”, nắm trong tay cả trăm hecta lúa. Ông Trần Thanh Dũng, phó bí thư trường trực đảng uỷ xã cho biết, đến nay nông dân trong xã vẫn còn tồn đọng 12 – 15 ngàn tấn lúa IR 50404…
Lúa đắp chiếu chờ bán
Ông Nguyễn Văn Thành, một trong hai “điền chủ” có diện tích đất sản xuất lúa lớn nhất Hưng Điền B, cho biết, sau nhiều năm thuê đất, rồi bỏ vốn mua đi bán lại, ông may mắn có được 60 hecta đất sản xuất lúa, vụ hè thu rồi trúng trên 200 tấn. Thế nhưng, niềm vui trúng mùa chưa kịp mừng thì giá lúa rớt thê thảm, từ trên 5.000đ/kg hồi đầu vụ đến nay còn 3.200đ/kg. “Lúa rớt giá đến đâu, tui tiếc đứt ruột đến đó, cứ chần chừ không tháo kho, nay thì còn đầy cả kho mà không có thương lái đến đong”– ông Thành ngậm ngùi tâm sự. Bi đát hơn là ông Trần Hùng Tráng, trong vụ hè thu nhiều đến nỗi kho không đủ chứa phải đắp chiếu ngoài đường lộ. “Dù đã nhanh chân bán tháo mấy trăm tấn, giá 4.800 – 4.900đ/kg hồi đầu vụ nhưng hiện nay tui vẫn còn phải ôm một kho to tướng nữa” – ông Tráng chỉ tay về phía kho lúa mà theo ông, giờ không còn tâm trí để tính xem lượng lúa trong kho là bao nhiêu.
Ông Trương Văn Vinh, chủ nhiệm hợp tác xã Hậu Thanh Đông, huyện Tân Thạnh, Long An thừa nhận: “Không giống với mọi năm, năm nay, lúa đã thu chất đầy bồ, đầy kho vậy mà không thấy bóng dáng thương lái. Nhiều người dân nóng lòng trả nợ, chấp nhận bán lúa rẻ nhưng cũng không có ai mua cho!”. Theo ông Vinh, ban chủ nhiệm hợp tác xã đến nay vẫn còn 12 hộ “ôm” 30 – 40 tấn lúa. Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Nga, chủ tịch hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng (Long An) cũng xác nhận “nông dân trong huyện còn tồn trên 100.000 tấn lúa”.
Không chỉ nông dân Long An khốn khổ mà nông dân ở các địa phương khác cũng đang phát rầu vì lúa. Ông Nguyễn Văn Linh, ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ than: “Gia đình tôi còn 20 tấn lúa hè thu”. Nhiều nông dân khác ở huyện Vĩnh Thạnh cũng đang khóc vì “có quá nhiều lúa” như gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, Vĩnh Thạnh còn trong kho… 100 tấn; hộ ông Mai Văn Bé Tư và Trương Văn Hoàng, xã Thạnh Quới còn 30 và 25 tấn.
Doanh nghiệp sợ “ôm” gạo
Long An là một trong những tỉnh trọng điểm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng hàng năm lên tới 1,7 đến 2 triệu tấn lương thực. Trong hội nghị Chính phủ tổ chức mới đây, ông Dương Quốc Xuân, chủ tịch UBND tỉnh than: tiến độ thu mua lúa của công ty lương thực quá chậm, qua vụ đông xuân chưa chắc hết 300.000 tấn lúa hè thu còn tồn đọng, tết nhất tới gần, không bán được lúa, nông dân không có tiền mua sắm.
Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã không trả lời được câu hỏi “nông dân đồng bằng sông Cửu Long còn “ôm” mấy trăm ngàn tấn lúa?”. Nhưng theo ông, con số 800.000 tấn gạo còn tồn trong kho doanh nghiệp xuất khẩu gạo là chính xác. Còn nếu tính thêm của thương lái, doanh nghiệp tư nhân ngoài thành viên hiệp hội thì trên cả triệu tấn không biết chừng.
Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, tiến độ thu mua lúa theo chỉ đạo Chính phủ đang diễn ra khá chậm. Nguyên nhân chính là do hầu hết lượng lúa còn tồn hiện nay (lúa IR 50404) chất lượng đang giảm mạnh do không được phơi sấy, bảo quản cẩn thận. Ông Lê Văn Liêm, giám đốc công ty lương thực thực phẩm An Giang, cho biết còn “ôm” 60.000 tấn gạo mua theo chỉ đạo nên phải lựa chọn lúa tốt, xay ra gạo mới trữ dài ngày được.
Thực tế, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu 2009 dự báo vẫn rất khó khăn. Giá gạo 25% hiện chỉ còn 350 – 360 USD/tấn, nếu mua lúa với giá 3.500 – 3.700đ/kg như hiện nay thì giá thành gạo xuất khẩu loại 25% tấm đã lên tới 330 – 350 USD/tấn. Chính vì vậy, tìm đầu ra vẫn còn là một bài toán khó giải thì doanh nghiệp, cho dù có sự chỉ đạo vẫn không dám đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân.