00:00 Số lượt truy cập: 3075294

Đồng ruộng thân thiện môi trường 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm qua, áp lực lớn về sâu bệnh và ô nhiễm môi trường, do kỹ thuật canh tác có quá nhiều phân bón vô cơ, cùng với thuốc bảo vệ thực vật tràn lan là vấn đề rất bức xúc. Nhận rõ điều đó, An Giang đã sớm tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới như: Chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Và mới đây nhất là chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái”, do Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI triển khai thực hiện thí điểm tại tỉnh đang mở ra cách nhìn mới mẻ.


Nông dân Nguyễn Nhựt Hoai, ngụ xã Thoại Giang (Thoại Sơn) chia sẻ: “Tôi rất mê mô hình ruộng lúa bờ hoa. Bởi vì hàng năm, khi bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện, ít có vụ nào mà chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này thì suốt vụ không phải phun xịt thuốc lần nào”. Không chỉ riêng gì nông dân Nguyễn Nhựt Hoai nhận thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, hay còn gọi là “ruộng lúa bờ hoa” mà theo ghi nhận của Chi cục Bảo vệ Thực vật An Giang từ thực tế qua các vụ sản xuất từ năm 2010 đến nay, nông dân khi tham gia áp dụng mô hình đã tiết giảm 4 - 5 lần phun thuốc trừ rầy nâu và sâu cuốn lá. Đặc biệt, năng suất vẫn đạt khá cao, từ 6 - 6,5 tấn/ha trong vụ hè thu, thu đông và khoảng 7,5 – 8 tấn/ha trong vụ đông xuân; thậm chí có nơi đạt đến 9 tấn/ha.

Tiến sỹ K.L Heong, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI cho biết: “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái nhằm thực hiện 2 mục tiêu chính đó là, tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và ngưng sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu của cây lúa. Từ đó, giúp tăng cường sức đề kháng hệ sinh thái ruộng lúa và giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu. An Giang sẽ trở thành nơi tiên phong trong việc áp dụng bước tiến khoa học này trên đồng ruộng”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Trường Đại học Cần Thơ giải thích: “Trồng cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn và nuôi dưỡng o­ng ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng. Đặc biệt nhất là trứng rầy nâu sẽ bị o­ng ký sinh hơn 80% ở những ruộng sử dụng công nghệ sinh thái. Nếu thường xuyên thăm đồng, chúng ta dễ dàng nhận thấy, sâu rầy vẫn có, nhưng thiên địch sẽ nhiều hơn giúp tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ sản xuất và tạo sinh cảnh đẹp vì bờ ruộng có hoa. Nhờ vậy mà chúng ta không cần phun thuốc bảo vệ thực vật (trừ khi nào cấp thiết nhất mới phải sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật). Buổi chiều, khi các cô, các chị thôn nữ ra thăm đồng sẽ rất thích, tạo thành phong trào sâu rộng để đồng ruộng Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng ngày càng thân thiện với môi trường. Đó cũng là cách để chúng ta hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững trong tương lai”.

Vụ hè thu năm 2011, An Giang đã chọn 4 huyện để hỗ trợ thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái – “Ruộng lúa bờ hoa” gồm: Xã An Hòa (Châu Thành), Khánh Hòa (Châu Phú), Định Thành (Thoại Sơn) và Tân Tuyến (Tri Tôn). Mỗi mô hình có diện tích ứng dụng khoảng 30 ha, với sự tham gia của từ 25- 30 nông dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng nhấn mạnh: “Tôi hy vọng, việc triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái sẽ tạo ra bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng ở cấp cộng đồng, nhắm đến các mục tiêu lâu dài như: Nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường”.