00:00 Số lượt truy cập: 3051947

Đợt rét đậm dài nhất trong lịch sử: 6 vạn hécta lúa, mạ chết lạnh 

Được đăng : 03/11/2016
Không chỉ gây xáo trộn, khó khăn cho cuộc sống của người dân, đợt rét đậm còn gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ NNPTNN, có khoảng 6 vạn hécta lúa, mạ bị chết rét, gần 10.000 gia súc, chủ yếu là trâu, bò ở các tỉnh miền núi phía bắc cũng đã bị chết do thiếu thức ăn và thời tiết quá khắc nghiệt.

 

Chưa đầy một tháng, gần 6 vạn hécta lúa và mạ xuân tại phần lớn các tỉnh vùng núi cao chết vì rét lạnh và thiệt hại như Bộ NNPTNT khẳng định, chưa thể dừng lại.

Nông dân xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) đang tập trung phòng, chống rét cho cây mạ mới được gieo trồng.

Tan tành vụ xuân

Đợt rét đậm kéo dài nhất từ trước đến nay còn hẳn một tuần nữa mới kết thúc, song theo thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích lúa và mạ xuân bị chết tại 16 tỉnh đến nay đã lên tới gần 60 nghìn hécta.

Thiệt hại đậm nhất, theo Phó Cục trưởng - Phạm Huy Thông đổ vào diện tích lúa xuân cấy trước Tết và mạ xuân muộn thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ và miền núi phía bắc. Trong số này Thanh Hoá có gần 10,4 nghìn hécta, Nghệ An có 10,5 nghìn hécta, Phú Thọ khoảng 7.400ha  và Bắc Giang ít nhất cũng có đến 1.500ha lúa.

Sự tàn phá của đợt rét đậm lan rộng sang diện tích lúa xuân sớm và mạ muộn tại Đồng bằng sông Hồng khiến hơn 31,7 nghìn hécta lúa và mạ chết vì rét. Vựa lúa Thái Bình cay đắng mất đi 10ha lúa xuân, Hải Dương và Hải Phòng cộng chung thiệt hại 14.000ha lúa trong lúc Hà Tây dù thiệt hại ít nhất cũng cắn răng trồng lại 5.000ha lúa.

Phân tích kỹ thuật của Cục Trồng trọt cho thấy, diện tích lúa cấy và mạ gieo vào 10 ngày trước Tết âm lịch rơi đúng những ngày rét đậm chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thiệt hại càng lớn hơn trên các diện tích lúa thuần chịu rét kém, các chân ruộng không đủ nước và các diện tích mạ không được che phủ nylon đúng kỹ thuật. Bên cạnh diện tích lúa bị thiệt hại,

Phó Cục trưởng - Phạm Huy Thông cũng thông báo một diện tích lớn hoa màu tại các địa phương gồm lạc, đậu tương bị rét đậm làm thối hạt hoặc thui mầm. "Cùng với diện tích này và trong lúc thời tiết còn tiếp tục rét đậm, diện tích lúa và hoa màu bị chết rét sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới" - ông Thông nói.

Nông dân Bảo Thắng (Lào Cai) phòng, chống rét cho mạ xuân.

Phập phồng chờ rét qua

Những ngày rét cuối cùng càng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp bởi miền Bắc đang bước vào giai đoạn gieo trồng tập trung các giống cây vụ đông xuân. Thay vì gieo trồng lại ngay trên diện tích lúa bị thiệt hại, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương tiến hành thống kê nhanh và phân loại những diện tích lúa, mạ bị thiệt hại theo tỉ lệ trên 50% và dưới 50% để có biện pháp xử lý.

"Theo cách phân loại này, diện tích lúa bị chết trên 50% số khóm sẽ được gieo bổ sung ngay bằng các giống lúa lai ngắn ngày và dồn, dặm đối với diện tích lúa chết dưới 50% nhằm đảm bảo mật độ khi thời tiết ấm trên 20 độ C" - song cũng theo ông Phạm Huy Thông, nếu thời tiết tiếp tục rét đậm và nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, việc gieo cấy bắt buộc phải dừng lại.

Nhưng trong lúc chờ đợi cái rét đi qua, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn về nguồn giống sẽ đè nặng lên các địa phương. Bộ NNPTNT đưa ra giải pháp huy động tổng lực các nguồn giống từ nguồn giống của các Cty trên địa bàn hoặc nhập khẩu thêm lúa lai ngắn ngày.

Trường hợp bi đát hơn khi các Cty không đủ giống cung ứng, nguồn giống do người dân tự để nếu đủ chất lượng sẽ được huy động.

"Chúng tôi đề nghị các địa phương trên cơ sở khảo sát diện tích lúa thiệt hại thực tế có thể hỗ trợ một phần nguồn giống cho bà con nông dân nhằm phục vụ cho đợt gieo mạ và cấy tổng lực sắp tới" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - ông Bùi Bá Bổng nêu ý kiến.

Có lẽ là quá sớm để đưa ra một con số về suy giảm sản lượng hay thiệt hại cụ thể do rét đậm gây ra đối với sản xuất nông nghiệp nhưng chắc chắn, như Cục Trồng trọt thừa nhận, thời vụ gieo cấy vụ đông xuân năm nay sẽ kéo dài hơn các vụ trước.

Cụ thể việc gieo cấy trên diện tích lúa đông xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ phải đến cuối tháng 2.2008 mới kết thúc và kéo dài đến hết ngày 5.3 tại Đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn gieo cấy tổng lực tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (từ ngày 25.2 đến 5.3) cũng chỉ thành công nếu công tác chuẩn bị hoàn tất.

Dẫu vậy theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, Bộ NNPTNT chủ trương không để bất kỳ địa phương nào vì khó khăn thời tiết mà phải bỏ hoang diện tích.

Rét đậm làm chết hơn 8.200 trâu bò

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi - ông Hoàng Kim Giao, số trâu bò chết do rét lạnh nói trên tập trung tại các khu vực vùng núi cao thuộc 12 tỉnh và chủ yếu tại miền núi phía bắc. Phần lớn số trâu bò chết lạnh được cho là trâu bò già, bê, nghé và do người dân chăn thả tự do không di chuyển từ trên rừng về hoặc gia súc thiếu thức ăn.

Nhưng con số trên cũng chưa phải là thống kê cuối cùng về lượng gia súc chết trong đợt lạnh này. Bộ trưởng Bộ NNPTNT - ông Cao Đức Phát lo ngại, sau một tháng chống trọi với rét lạnh, đàn gia súc tại các tỉnh miền núi đang yếu đi rất nhanh và do đó con số thiệt hại còn tăng trong các ngày tới.

Trong khi đó các biện pháp tức thời như di tản đàn gia súc hàng trăm nghìn con xuống vùng ấm hơn hoặc chuyển nguồn thức ăn cỏ khô từ dưới đồng bằng lên vùng núi được khẳng định là bất hợp lý.

thịt trâu, bò chết rét được bày bán nhiều với giá rẻ ở Cao Lộc, Lạng Sơn.

Thanh Hoá: 20.000ha lúa xuân đã chết do rét hại

Chiều ngày 13.2, trời vẫn rét cắt da cắt thịt, PV Báo Lao Động đã đi xe máy về huyện Hoằng Hoá, Vĩnh Lộc, đâu đâu bà con nông dân cũng đang tập trung chăm sóc, bảo vệ những ruộng lúa mới cấy, ruộng mạ mới gieo. Nhưng trước đợt lạnh kéo dài lịch sử nhiều năm qua thì hàng trăm cánh đồng cò bay thẳng cánh đang trở nên xơ xác bởi lúa chết.

Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì thiên tai đang cướp đi của họ hàng triệu đồng và đẩy tương lai cuộc sống của họ lâm vào cảnh khó khăn. Ông Trịnh Văn Huệ ở thôn 7 xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hoá dù vừa sang tuổi 64 nhưng vẫn phải xắn quần lội ruộng.

Ông Huệ lật tấm bạt nilông lên chỉ cho tôi xem ruộng mạ vàng úa khó có thể cứu vãn. Vậy là mất mấy trăm bạc, 6 sào ruộng của gia đình ông Huệ đang để đất trắng, cứ đà này thì chẳng biết làm gì để sống. Mỗi một sào ruộng người dân phải chi tới 140 nghìn đồng tiền công cấy, 50 nghìn đồng tiền lúa giống ngoài ra còn khoản công thuê máy lùng, phân bón, thuốc sâu... trừ trà hết các khoản, mỗi vụ cũng chỉ kiếm lời được 50kg thóc.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT ngày 12.2, trong cuộc họp khẩn cấp bàn giải pháp trước mắt nhằm tăng cường chăm sóc và bảo vệ lúa, màu, gia súc vụ xuân trong thời điểm rét đậm, rét hại hiện nay thì toàn tỉnh có 20.000ha lúa trong tổng số 76.285ha lúa xuân được gieo cấy đã chết. Diện tích lúa chết do rét hại tập trung chủ yếu ở các huyện Thiệu Hoá, Yên Định, Quảng Xương... Tại khu vực 11 huyện miền núi có 985 con trâu, bò chết.

Tại cuộc họp khẩn, ông Mai Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Trước mắt, đối với diện tích lúa còn sống cần giữ nước ấm chân ruộng, không bón đạm, lân trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Để chủ động cân đối đủ nguồn giống lúa gieo cấy bổ sung cho số diện tích lúa chết rét, UBND tỉnh trích nguồn ngân sách dự phòng trên 7,8 tỉ đồng cho Cty cổ phần giống cây trồng tỉnh vay không tính lãi  nhằm kịp thời mua giống về bán cho nông dân với giá chỉ đạo 23.500 đồng/kg lúa lai và 6.800 đồng/kg lúa thuần ở tất cả các địa phương.
 

Giá rét tại Lạng Sơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn trâu, bò ở tỉnh này.

Lạng Sơn: Có 3.418 con trâu, bò bị chết

Đã gần một tháng qua, thời tiết ở Lạng Sơn luôn ở mức dưới 10 độ C. Khu vực Mẫu Sơn và Công Sơn nhiệt độ còn xuống dưới 0 độ. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của đồng bào; rét đậm làm cho cây không mọc được, "con" bị chết hàng loạt.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 13.2, rét đậm, rét hại đã làm cho 3.418 con trâu, bò bị chết do rét. Những huyện nằm trong vòng cung núi đá vôi như Văn Quan có tới 572 con trâu bò đã chết, huyện Bình Gia 421 con, Tràng Định 400 con (xã vùng cao Quốc Khánh có hàng trăm con trâu bò cùng chết trong vòng 2 tuần) và Đình Lập 425 con... làm cho nông dân vùng cao vốn đã nghèo khó, nay càng khó khăn thêm. Thịt trâu, bò chết được bày bán khắp nẻo quốc lộ với giá chỉ bằng 30 đến 40% giá thực. Cây trồng cũng tạm dừng gieo cấy bởi rét vẫn đậm, vẫn hại...

Lạng Sơn có 3.418 con trâu, bò bị chết.

Bắc Cạn: 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Đồn chết trên 1.810 con trâu, bò

Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên hàng loạt gia súc trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đã bị chết, gây thiệt hại nặng về kinh tế của bà con nông dân. Theo thống kê chưa đầy đủ riêng huyện Ngân Sơn đã có 1.173 con trâu bò bị chết, trong đó trâu chết 919 con, bò chết 254 con, các xã chịu thiệt hại nặng là Cốc Đán chết 260 con, Thuần Mang 219 con, Thương Quan 204 con.

Còn ở huyện Chợ Đồn, tới thời điểm này đã có 640 con trâu bò chết, thiệt hại ước tính trên 1 tỉ đồng. Hầu hết trâu bò chết đều đã già và bê nghé. Ngoài nguyên nhân do trời rét thì vấn đề thiếu thức ăn, thả rông trâu bò không quản lý cũng là những nguyên nhân dẫn đến trâu bò chết hàng loạt.

Ngoài 2 huyện trên, các huyện khác trâu bò cũng đã chết hàng loạt. Các loại cây trồng vụ xuân cũng bị ảnh hưởng, đến thời điểm này, một số loại cây trồng không thực hiện được hoặc thực hiện không đạt kế hoạch.

Nếu thời tiết tiếp tục kéo dài, rất có thể trâu bò tiếp tục bị chết, nên hiện nay UBND tỉnh Bắc Cạn đang tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho trâu bò như lùa trâu về chuồng, quây chuồng trại, dự trữ thức ăn... Đây là đợt rét kéo dài nhất kể từ 50 năm trở lại đây.

Quảng Ngãi: Gần 100 con trâu, bò bị chết rét

Ngày 13.2, UBND huyện Ba Tơ cho biết, trong những ngày trước và sau Tết Mậu Tý, thời tiết rét buốt kéo dài đã làm cho gần 100 con trâu, bò của đồng bào dân tộc Hrê trong huyện bị chết rét, nhiều nhất là ở các xã Ba Xa, Ba Lế và Ba Trang. Nguyên nhân là do đồng bào thiểu số ở đây có thói quen nuôi gia súc thả rông trong rừng và không tích luỹ lương thảo cho gia súc.