00:00 Số lượt truy cập: 3084538

Dự án Thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam: Hướng đi mới cho người nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Sáng ngày 29/5, tại Hà Nội, tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) đã tổng kết dự án Thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam.

Được sự tài trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Dự án “Thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam” đã được thực hiện từ 1/2000 - 6/2009 với mục tiêu khuyến khích phát triển sản xuất khoai tây, tăng thu nhập cho hộ nông dân nhằm góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự án được thực hiện chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc. Các đối tượng được hưởng lợi từ dự án trước hết là những đơn vị thực hiện dự án, các hợp tác xã, các công ty kinh doanh và chế biến khoai tây, các nhà thu gom và các hộ nông dân trong địa bàn hoạt động của dự án.

Sau hơn 9 năm thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào phát triển ngành hàng khoai tây của Việt Nam như: Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây có chất lượng áp dụng công nghệ nuôi cấy mô và nhân nhanh và hệ thống nhân giống từ khoai tây nhập khẩu; Tăng cường hệ thống xác nhận và quản lý chất lượng giống; Thúc đẩy và hoàn thiện quy trình công nhận giống mới; Đẩy mạnh công tác kiểm dịch nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu thụ; Xây dựng những vùng sản xuất khoai tây mang tính hàng hóa; Thực hiện một số nghiên cứu làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng Định hướng phát triển bền vững của ngành; Tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực cho các đối tác quan trọng của ngành hàng.

Với những kết quả đạt được kể trên, Dự án đã có những tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhờ các hoạt của dự án mà số lượng hộ trồng khoai tây ở các xã trong vùng dự án tăng lên, diện tích khoai tây trồng giống xác nhận tăng, kỹ thuật trồng và bảo quản khoai tây giống trong kho lạnh được nâng cao và hoàn thiện, năng suất khoai tây sử dụng giống xác nhận cao hơn năng suất giống không xác nhận từ 1-10 tấn/ha, thu nhập từ một ha sử dụng giống xác nhận (theo khuyến cáo của dự án) cao hơn so với không sử dụng giống xác nhận trung bình khoảng 6,45 triệu đồng. Một ha trồng khoai tây tạo thêm công ăn việc làm cho hộ nông dân khoảng 326 ngày công. Sản xuất khoai tây cũng có tác động tích cực đến sản xuất lúa vụ sau và chăn nuôi lợn. Ngoài tác động về kinh tế sản xuất khoai tây còn có tác động tích cực về môi trường và góp phần làm tăng vài trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.