Giá hàng hóa tiếp tục ở mức cao. Theo Tổ điều hành thị trường, trong quý II/2007, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước tiếp tục ở mức cao do sản xuất nông nghiệp giảm vì khô hạn; dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, sâu rầy tiềm ẩn nguy cơ lan rộng; do nhiều loại vật tư hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục vững giá...
Trước mắt, Tổ điều hành dự báo có tới 7/10 hàng hóa thiết yếu của đời sống sẽ tăng giá trong tháng 4 này, bao gồm: lương thực, thực phẩm (thịt giảm giá, rau và hoa quả tăng giá), phân bón, đường, xi măng, thép và thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, do không thiếu hụt cung cầu nên các loại hàng hóa này sẽ không xảy ra hiện tượng sốt giá, thiếu hàng.
Bộ Thương mại sẽ phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tăng cường quản lý và điều hành tốt công tác xuất nhập khẩu nhằm bình ổn thị trường. Tổ điều hành thị trường dự báo, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4/2007 sẽ tăng ở mức 0,2%.
Giá lương thực sẽ tăng nhẹ, thực phẩm giảm. Tổ điều hành thị trường cho biết, sau Tết thị trường đã trở lại bình thường nhu cầu tiêu dùng giảm nên giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng 3 giảm nhẹ. Tuy nhiên, do các tỉnh phía Bắc vẫn đang trong thời kỳ giáp hạt nên trong tháng 4 giá lương thực sẽ tăng nhưng không nhiều. Ngoài ra, các tỉnh ĐBSCL tuy nguồn cung tăng cao nhưng do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh thu mua để thực hiện các hợp đồng đã ký với Philíppin, Inđônêxia...cùng với giá gạo trên thị trường Châu á còn ở mức cao nên giá lương thực sẽ tăng dần trở lại.
Theo Tổ điều hành thị trường, hiện nay các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy được 1.094 triệu ha lúa đông xuân, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá lương thực đã bắt đầu tăng tại một số địa bàn với mức tăng từ 100 - 200 đồng/kg, phổ biến ở mức 3.400 - 3.600 đồng/kg thóc tẻ và 5.100 đồng - 5.700 đồng/kg gạo tẻ thường.
Bên cạnh đó, các tỉnh phía Nam đang thu hoạch lúa đông xuân, một số tỉnh đã gieo cấy lúa hè thu. Mặc dù nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng nhưng do nguồn cung thóc, gạo trên thị trường tăng cao nên giá lương thực giảm 100 đến 150 đồng/kg. ở một số địa bàn giá thóc tẻ ở mức 2.700 - 2.800 đồng/kg và gạo tẻ từ 4.600 - 5.500 đồng/kg.
Để hạn chế sự biến động của giá lương thực trong nước, bảo đảm an ninh lương thực, Bộ NN và PTNT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại và Hiệp hội lương thực nắm chắc tình hình sản xuất, cân đối cung cầu, trên cơ sở đó điều hành tiến độ xuất khẩu gạo hợp lý và định hướng giá gạo xuất khẩu bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn mua thóc kịp thời để chế biến và dự trữ cho xuất khẩu gạo có hiệu quả cao.
Tuy giá lương thực, thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác tăng nhưng do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sau Tết giảm mạnh trong khi nguồn cung thực phẩm trên thị trường dồi dào nên giá một số mặt hàng thực phẩm trên thị trường tiếp tục giảm.
Hiện tại, giá thịt lợn trên thị trường đang tiếp tục giảm từ 500 đồng đến 1.500 đồng/kg tại nhiều nơi, các tỉnh phổ biến: lợn hơi 13.500 đồng đến 15.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc và 15.000 đồng đến 17.500 đồng/kg tại các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, giá các loại thịt bò, thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm cũng giảm từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg phổ biến ở mức 75.000 đồng đến 100.000 đồng/kg bò thăn, thịt gà ta 65.000 đồng đến 70.000 đồng/kg.
Một số loại hải sản tuy có giảm song nhìn chung vẫn ở mức cao, riêng cá tra, ba sa do nhu cầu xuất khẩu tăng trong khi nguồn cung giảm nên giá cá tra nguyên liệu tăng lên mức 17.000 đồng đến 17.500 đồng/kg (đây là mức cao nhất từ trước đến nay).
Giá đường có chiều hướng tăng nhẹ. Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường, sang tháng 4 giá đường có chiều hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ bắt đầu tăng.
Hiện nay, tại các trung tâm bán buôn giá đường trắng loại 1 khoảng 6.300- 6.650 đồng/kg (có VAT); đường tinh luyện khoảng 7.200- 7.300 đồng/kg. Như vậy giá bán buôn đường giảm 300-700 đồng/kg so với tháng 12/2006. Giá bán lẻ đường trên thị trường vẫn dao động ở mức 8.000- 10.000 đồng/kg, thấp hơn 2.000- 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2006. Giá đường giảm là do nguồn cung đường trên thị trường tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng nên các nhà máy phải tiếp tục điều chỉnh giá bán.
Tháng 3/2007, sản xuất đường trong nước ước đạt 256.780 tấn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường cả nước niên vụ 2006/07 ước đạt 1,4 triệu tấn, tăng 27% so với niên vụ trước, tiêu dùng khoảng trên 1 triệu tấn. Do vậy niên vụ này nước ta có thể không phải nhập khẩu đường.
An Giang: Ngô lai được mùa, được giá. Đến nay huyện An Phú, tỉnh An Giang đã thu hoạch gần 1.500 ha ngô lai, đạt năng suất bình quân 11 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 14 tấn/ha. Vụ này giá ngô lai bán được 2.800 đồng/kg, tăng 500đồng/kg so với vụ năm ngoái, sau khi trừ chi phí nông dân thu lãi 18 triệu đồng/ha, tăng gần 5 triệu đồng/ha so vụ đông xuân năm trước.
Huyện An Phú chiếm gần 80% tổng diện tích gieo trồng ngô lai toàn tỉnh. Cây ngô lai trồng ở đây luôn đạt hiệu quả cao, vụ đông xuân năm nay năng suất bình quân tăng 1 tấn/ha, cá biệt có hộ sản xuất tăng 3 tấn/ha so vụ trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay nhờ được trạm khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển đổi giống mới G49 sang trồng giống 919 Cargill cho năng suất cao. Huyện còn hỗ trợ kinh phí quy hoạch vùng chuyên canh với đê bao chống lũ khép kín 1.437 ha, xã Phước Hưng, Quốc Thái và Khánh An trồng được 3 vụ/năm. Ngoài ra, còn có 2 cơ sở thu mua ngô tươi có kho chứa, máy sấy, sơ chế tại chỗ cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc trong và ngoài tỉnh và 10 thương lái thu mua tại chỗ.
Ngô lai là cây màu chủ lực của huyện An Phú, có lợi nhuận tăng gấp 2 lần trồng lúa và có "đầu ra" thuận lợi dàng do cung không đủ cầu. Vụ hè thu tới An Phú dự định xuống giống 2.155 ha, tăng gần 700 ha so vụ đông xuân.
Đắk Lắk: Thịt lợn tăng giá, nông sản ít biến động. Từ một tuần nay, giá thịt lợn ở TP Buôn Ma Thuột và các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tăng giá so với Tết Nguyên đán từ 3.000 - 5.000/kg. Hiện nay, giá thịt lợn nạc ở mức 39.000 - 40.000 đồng/kg, thịt mông sấn từ 33.000- 34.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt bò vẫn bình ổn. Thịt bò bắp có giá 65.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 75.000 đồng/kg. Gà ta tăng giá chút ít lên 50.000 - 55.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp (làm sạch) ổn định giá trong khoảng từ 36.000 - 37.000 đồng/kg; thịt vịt vững giá ở mức 35.000 - 45.000 đồng/con. Trứng gà ta 1.800-2.000 đồng/quả, trứng gà công nghiệp 1.200-1.300 đồng/quả, trứng vịt 1.400 đồng/quả, trứng chim cút 300 đồng/quả.
Trong hơn 2 tháng nay, giá các loại gạo vẫn bình ổn. Gạo dẻo có giá 5.600-6.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 8.500 đồng/k; gạo thơm Lài 9.500 đồng/kg; gạo nếp ngon 9.000-10.000 đồng/kg.
Cà phê nhân xô thời gian qua vẫn chững giá ở mức từ 22.000 - 22.400 đồng/kg, trong khi giá hạt ca cao lên men tăng lên 26.000 đồng/kg, cao hơn 500 đồng so với trước và tăng 4.000 đồng so với trước đây 1 tháng. Hạt tiêu đen loại thủy phần 15% hiện có giá 36.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với trước Tết Nguyên đán.