00:00 Số lượt truy cập: 3076917

Dư lượng kháng sinh Trifluralin ở tôm: Nước đã đến chân 

Được đăng : 03/11/2016

Gần 10 năm trước, khi Liên hiệp châu Âu (EU) tăng cường kiểm tra thủy sản nhập khẩu (9-2001), Mỹ, Nhật Bản áp dụng quy định nghiêm ngặt về dư lượng Chloramphenicol trong sản phẩm thủy sản, nhất là tôm, đã làm các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu Việt Nam lao đao. Sau đó chuyện dư lượng Malachite green trong cá tra, ba sa xuất khẩu khiến các DN, người nuôi ĐBSCL khốn đốn. Giờ đây, hóa chất Trifluralin đang làm khó các DN xuất khẩu thủy sản… Hóa chất này có trong thuốc diệt cỏ, được người nuôi trồng sử dụng phòng trị nấm sợi trên ấu trùng tôm, xử lý nước và diệt ký sinh trùng gây bệnh trong nuôi cá tra giống.


Nơi cấm, nơi cho

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), một số mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản bị phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh Trifluralin gồm 18 mẫu: 11 mẫu cá tra, 4 mẫu cá rô phi và 2 mẫu tôm, 1 mẫu cá lóc. Ngay sau đó, Nhật Bản thông báo, kiểm tra 100% lô hàng thủy sản từ Việt Nam. Sự việc này gây khó khăn lớn đối với DN xuất khẩu, bởi Nhật Bản là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% giá trị và luôn giữ vững mức tăng trưởng hai con số từ đầu năm đến giờ.

Năm 2009, EU đã từng cảnh báo một số lô hàng thủy sản Việt Nam bị phát hiện dư lượng Trifluralin vượt giới hạn cho phép. Lúc đó, sản phẩm có chứa Trifluralin đã bị loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật, kể cả danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Bộ NN-PTNT đã giao Cục Nuôi trồng thủy sản (nay là Tổng cục Thủy sản) rà soát và loại bỏ các sản phẩm có chứa Triflurallin. Tuy nhiên, NAFIQAD vừa cho biết hiện có 38 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường thủy sản có chứa hàm lượng Trifluralin.

Như vậy vẫn diễn ra tình trạng văn bản này cấm nhưng văn bản khác lại cho phép lưu hành các sản phẩm có tên thương mại khác chứa hoạt chất Trifluralin. Hậu quả, do rà soát, kiểm soát không chặt chẽ đã dẫn đến việc sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng bị nhiễm dư lượng Trifluralin. Thế nên, không chỉ Nhật Bản mà những thị trường khác sẽ kiểm soát chặt chất lượng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Sau Trifluralin là...

Theo các DN, vì mùa vụ tôm hiện nay đã thu hoạch, do vậy việc nhiễm dư lượng Trifluralin trong tôm nguyên liệu sẽ khó tránh khỏi, nên việc xét nghiệm để kiểm soát chỉ là biện pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay. Điều quan trọng, phải xác định được nguy cơ lây nhiễm từ khâu nào để có biện pháp khắc phục căn cơ, hiệu quả trong vụ mùa sau.

Nhưng điều quan trọng hơn, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động nắm rõ thông tin về những chủ trương mới từ các nước. Từ năm 2001 đến nay, các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được sử dụng như một rào cản kỹ thuật trong việc nhập khẩu ở các nước. Đầu tiên, việc siết chặt quản lý dư lượng Chloramphenicol, sau đó là Malchite green, giờ đến Trifluralin. Vậy sắp tới là gì, điều DN lo ngại hoàn toàn có cơ sở, bởi danh sách sẽ không dừng lại với 3 chất này.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, các địa phương và cơ quan quản lý, kể cả Bộ NN-PTNT cần nắm rõ người nuôi sử dụng các loại thuốc, hóa chất gì trong nuôi trồng thủy sản hay chất xử lý môi trường ra sao, để khi bị phát hiện có thể chủ động trả lời ngay, không phải như hiện nay, để nước đến chân mới chịu... nhảy.