00:00 Số lượt truy cập: 3076953

Đưa vốn kịp thời giúp bà con vùng lũ khôi phục sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016
Hai trận lũ liên tiếp đã khiến người dân các tỉnh Bắc miền Trung lâm vào cảnh khốn cùng, nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi; lúa, hoa màu ngập trắng. Hơn lúc nào hết, người dân rất cần nhận được sự hỗ trợ về vốn để khôi phục sản xuất. Trước thực trạng này, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) khẳng định: bằng mọi cách sẽ đưa vốn kịp thời tới tay bà con vùng lũ.

Hỗ trợ tối đa

Trận lũ lịch sử đã khiến các tỉnh Bắc miền Trung thiệt hại nặng nề về người và của. Hơn 115.000 hộ dân của Hà Tĩnh ở 183 xã bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Theo thống kê sơ bộ của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, qua 2 đợt lũ, thiệt hại đã lên tới 7.500 tỷ đồng, toàn bộ hoa màu gần như mất trắng, dẫn đến khả năng thiếu lương thực trong 6 tháng tới. Các tỉnh đã đề nghị Trung ương cấp khẩn cấp thêm 5.000 tấn gạo và khoảng 3.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Đã hết thời vụ gieo trồng trong khi hầu hết diện tích lúa ở các tỉnh Bắc Trung Bộ không cho thu hoạch, gia súc, gia cầm cũng trôi gần hết. Bởi vậy, công tác khôi phục sản xuất là nhiệm vụ cấp bách và khẩn trương, trong đó nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất thời điểm này là rất quan trọng”.

Trước nhu cầu cấp bách này, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc NHCSXH, đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội cho biết, ngân hàng đang khẩn trương xây dựng phương án bổ sung vốn, tạo điều kiện cho đồng bào vùng lũ khôi phục sản xuất và đời sống. Theo đó, ngân hàng sẽ cùng với chính quyền địa phương xác định chính xác thiệt hại của từng gia đình để có hỗ trợ kịp thời. “Với vai trò của mình, NHCSXH cam đoan không để bà con thiếu vốn khôi phục sản xuất”, ông Lý nói.

Cụ thể, những hộ bị thiệt hại dưới 40% sẽ được đầu tư thêm vốn, gia hạn nợ. Với hộ thiệt hại từ 40 - 80% sẽ khoanh nợ tối đa 3 năm và những hộ thiệt hại trên 80% sẽ khoanh nợ tối đa 5 năm. “Điều này có nghĩa là, trong 3 - 5 năm tới, người dân chưa phải trả nợ và lãi. Sau thời gian khoanh nợ, nếu hộ gia đình tiếp tục khó khăn, ngân hàng có thể khoanh nợ thêm 1 kỳ 5 năm nữa”, ông Lý giải thích thêm.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ đơn giản hóa tối đa thủ tục để đáp ứng nhu cầu vay vốn, mua vật tư đang rất cấp bách cho bà con. Tuy nhiên, việc vay vốn tín dụng cũng có những nguyên tắc, thủ tục bắt buộc, theo đúng quy trình để đảm bảo sự đồng nhất trong chính sách.

Ngân hàng cũng yêu cầu các cơ quan, đoàn thể tại địa phương giúp người dân làm thủ tục vay vốn, đồng thời vốn phải được chuyển đến tận tay đối tượng bị thiệt hại nhanh nhất.

Vốn vay ưu đãi phải đến đúng đối tượng

Song song với việc NHCSXH cho vay ưu đãi đối với các hộ bị thiệt hại nặng bởi lũ lụt để họ sớm khôi phục sản xuất, ông Lý còn cho biết, việc học hành của con em họ cũng sẽ được quan tâm đặc biệt.

Với những hộ khó khăn đột xuất trước đây, ngân hàng chủ trương cho vay trọn gói 4 - 5 năm học. Tuy nhiên, theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là cứ có khó khăn đột xuất thì cho vay tối đa 12 tháng. “Lý do, là thực tế đã xảy ra tình trạng có những gia đình gặp khó khăn về kinh tế nhưng chỉ sau 3 tháng họ đã khắc phục được. Những khoản cho gia đình đó vay thì đã ấn định trong 4 - 5 năm nên chúng tôi không thể thu hồi về được”, ông Lý cho biết.

Ngân sách dành cho hỗ trợ học sinh - sinh viên có hạn, chúng ta cần sử dụng tiết kiệm ngân sách Nhà nước, hợp lý, đúng người, đúng cảnh một cách hiệu quả nhất để phát huy được mục đích tốt đẹp của chủ trương. Như vậy sự điều chỉnh lại khoản vay đến được đúng đối tượng xứng đáng được thụ hưởng là cần thiết.

Tuy nhiên, trong trường hợp hộ gia đình đó sau 12 tháng vẫn tiếp tục khó khăn thì NHCSXH sẽ tiếp tục hỗ trợ 12 tháng tiếp. Mục đích cao nhất là không để các em vì thiếu tiền mà phải nghỉ học giữa chừng.