00:00 Số lượt truy cập: 3063861

Đức viện trợ 500.000 Euro giúp Việt Nam phát triển cây khoai tây 

Được đăng : 03/11/2016

"Dự án thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam giai đoạn II kéo dài" đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) ngày 26/7 tại Hà Nội. 


Theo đó, trong 2 năm (kể từ tháng 7/2007), Chính phủ Đức sẽ tiếp tục viện trợ không hoàn lại 500.000 Euro cho Việt Nam nhằm củng cố và tăng tính bền vững của các hệ thống nhân giống khoai tây; hỗ trợ thực hiện công tác kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng khoai tây; thúc đẩy việc sản xuất khoai tây thương phẩm dành cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ thúc đẩy hoạt động liên kết liên doanh và điều tiết trong ngành thông qua Hiệp hội Khoai tây Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, dự án Thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam được đánh giá là một trong những dự án hợp tác kỹ thuật đạt hiệu quả cao giữa Việt Nam và Đức. Giai đoạn I và giai đoạn II của dự án đã đạt được những kết quả quan trọng như: xây dựng hệ thống nhân giống khoai tây sạch bệnh, sản xuất giống cung cấp cho sản xuất; tăng cường hệ thống xác nhận giống nhằm nâng cao được chất lượng giống lưu thông trên thị trường; tăng cường công tác kiểm dịch khoai tây tại cửa khẩu nhằm hạn chế sự xâm nhập của dịch bệnh từ khoai tây nhập khẩu; áp dụng nhiều tiến bộ và công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập từ sản xuất khoai tây.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 35.000 ha trồng khoai tây với năng suất trung bình 13-15 tấn/ha, sản lượng đạt từ 300.000-400.000 tấn/năm. Cây khoai tây ngày càng trở thành cây vụ đông quan trọng đối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đặc biệt đối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nơi có diện tích đất canh tác rất hạn hẹp trong khi dân số quá lớn. Sản xuất khoai tây ở đồng bằng sông Hồng cho mức lãi từ 600.000 - 1.000.000 đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ngoài ra, sản xuất khoai tây còn tạo điều kiện cho một số ngành kinh tế khác như chăn nuôi và công nghiệp chế biến khoai tây phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực cấp hộ, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho nhiều người dân và bảo vệ môi trường.

Theo nghiên cứu của GTZ, khoai tây là nguồn cung cấp thực phẩm cân bằng và mang lại giá trị kinh tế cao, gấp 2,7 lần so với cây lúa và 3,5 lần khoai lang.