00:00 Số lượt truy cập: 2667232

Đừng đẩy hộ chăn nuôi ra đường 

Được đăng : 03/11/2016

Đến đầu năm 2012, hàng trăm cơ sở chăn nuôi, giết mổ tư nhân ở các địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai sẽ phải ngưng hoạt động hoặc dời đi nơi khác theo quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, điều lo ngại là mặc dù chủ trương đã quyết, nhưng chính sách hỗ trợ thì đến nay vẫn chưa có gì rõ ràng, dù chỉ là trên giấy. 


DÂN MÉO MẶT

Theo tìm hiểu của PV, bắt đầu từ đầu năm 2012 sẽ có 520 cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi khu vực đô thị TP Biên Hoà, thị xã Long Khánh và nội thị các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất. Trong số này có khoảng hơn 320 cơ sở từ trước đến nay vẫn hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và giết mổ thủ công.

Có mặt tại thị xã Long Khánh ngày 17/8, chúng tôi ghi nhận hầu hết các hộ dân chăn nuôi heo trên địa bàn các phường Xuân Thanh, Xuân Hoà đều ủng hộ chủ chương di dời của chính quyền địa phương. Tuy nhiên đa số các hộ này cho rằng nếu buộc phải di dời đi nơi khác hoặc ngưng chăn nuôi thì họ chỉ có thể chọn phương án 2 vì chẳng có hộ nào có đất đai ở các khu vực bên ngoài để di dời và tiếp tục đầu tư làm ăn nữa.

 Ông Phạm Văn Quang, chủ một trại heo nhỏ quy mô 20-30 con heo/lứa ở tổ 20, khu phố 1, phường Xuân Thanh cho biết, xung quanh khu vực có khoảng 5-6 hộ dân, gia đình nào cũng chăn nuôi heo, hộ nhiều thì 50-60 con, ít thì 5-7 con. Các hộ đều tận dụng phân heo để làm thức ăn cho cá, bón cây trồng trong vườn. Gia đình ông nhờ có đàn heo mới có thể ổn định kinh tế và nuôi 3 con ăn học. Tuy nhiên, nếu thời gian tới xã bắt phải di dời thì ông cũng như các hộ gia đình khác sẽ đồng thuận, với điều kiện "phải cho chúng tôi một con đường sống". Theo ông Quang, đó là việc phải có địa điểm mới để các hộ chăn nuôi khôi phục lại sản xuất hoặc chính sách đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.

Tương tự, chị Phạm Thị Tâm, chủ một cơ sở chăn nuôi gà ở ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu cho biết, năm ngoái gia đình chị đã đầu tư gần 8 tỷ đồng để mua sắm các thiết bị ấp trứng và cải tạo hệ thống chuồng trại. Nếu nay phải di dời thì rất khó khăn để tái lập cơ sở mới vì phải thuê mặt bằng và xây chuồng trại với số tiền khá lớn.

“Mình làm ăn nhỏ, vốn xoay vòng chả có bao nhiêu, chủ yếu lấy gối đầu thức ăn từ đại lý rồi tới đợt bán trứng thì trả lại. Rót một lần tiền tỷ thì chắc không có tiền mà đầu tư thêm nữa. Vay ngân hàng thì cùng lắm được dăm chục triệu đồng. Nếu Nhà nước không hỗ trợ hợp lý về đất đai, trang trại thì cơ sở của tôi khó có điều kiện khôi phục được sản xuất như cũ” - chị Tâm lo lắng nói.

CHƯA CÓ TIỀN HỖ TRỢ

Trao đổi với NNVN, ông Đặng Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND TX. Long Khánh cho hay, tính đến nay Sở TN-MT tỉnh mới chỉ hoàn tất việc tổ chức điều tra, khảo sát và lập danh sách các cơ sở sẽ phải di dời chứ chưa tính đến các phương án thực hiện hỗ trợ di dời. Đặc biệt là nguồn vốn để hỗ trợ đối với các cơ sở phải di dời thì chưa có chỉ đạo mới từ UBND tỉnh.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho rằng để đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện hỗ trợ cho các cơ sở buộc phải di dời thì các địa phương cần có những khảo sát cụ thể. Nhất là những chính sách liên quan đến hỗ trợ về nguồn vốn, về đất đai để người dân tái lập sản xuất ở các khu vực phù hợp.

Theo ông Dũng, chủ chương chung của TX. Long Khánh là tích cực thực hiện vận động các cơ sở trong phạm vi địa bàn thị xã để hoàn thành công việc theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ. Hiện các khu/cụm công nghiệp trên địa bàn Long Khánh đã được rà soát để xây dựng mới, lồng ghép các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tái sản xuất cho những hộ dân, những DN phải di dời. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận rằng việc di dời các cơ sở đã lập danh sách cần phải làm theo lộ trình vì cái khó nhất vẫn là ở khâu hỗ trợ làm sao cho phù hợp với những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.

“Nhiều khi xây dựng khu/cụm tập trung rồi nhưng dân cũng không chịu vào sản xuất vì họ đang làm ăn bên ngoài có thu nhập ổn định. Giờ lại phải tốn tiền thuê mặt bằng, tốn tiền đầu tư cơ sở vật chất mà chưa biết sản xuất kinh doanh thế nào. Trước mắt, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, địa phương cố gắng vận động họ chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Khi có quyết định cụ thể về hỗ trợ thì khuyên họ ngưng hẳn việc chăn nuôi ở khu vực đô thị, chuyển sang làm việc khác” - ông Dũng nói.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh này đã thành lập Ban Chỉ đạo và đang tiến hành xây dựng đề án hỗ trợ. Trong thời gian tới sẽ tích cực thực hiện các phương án di dời. Tuy nhiên, việc di dời sẽ gặp phải nhiều khó khăn vì các chính sách của trung ương về xử lý đất đai, các tài sản gắn liền với đất tại vị trí cũ sau di dời, hỗ trợ ngừng, nghỉ việc, đào tạo nghề cho người lao động, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, hỗ trợ đầu tư… ban hành chậm nên các địa phương khó thực hiện.