Giá chỉ giảm trong ngắn hạn
Dưới tác động tăng nguồn cung ở các nước xuất khẩu gạo trong đó có Việt Nam, giá gạo trong nước và xuất khẩu sau khi đạt kỷ lục hồi đầu năm đã bắt đầu bình ổn và giảm. Tuy nhiên, nhận định mới đây của các chuyên gia của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng, khả năng giá thóc gạo chỉ giảm trong thời gian thu hoạch rộ.
Thực tế, trong tháng 6 giá lương thực đã có xu hướng giảm. Tại các tỉnh phía Bắc, giảm khoảng 500 - 800 đồng/kg so với đầu tháng, có nơi giảm cao hơn. Giá thóc tẻ trên thị trường còn từ 6.500 - 6.800 đồng/kg, gạo tẻ thường từ 8.500 - 10.000 đồng/kg.
Trong khi đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhờ nguồn cung lương thực trên thị trường dồi dào nên các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh thu mua gạo. Nhưng giá thóc, gạo trên thị trường cũng giảm từ 200 - 300 đồng/kg. Giá thóc tẻ trên còn từ 5.100 - 5.300 đồng/kg, gạo tẻ thường từ 8.500 - 10.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu cũng đã bắt đầu giảm khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam, Thái Lan tăng mạnh. Cụ thể, gạo xuất khẩu Thái Lan đã giảm giá từ 20 - 90 USD/tấn. Ngày 18/6, giá gạo Thái Lan loại 5% tấm từ 760 - 840 USD/tấn. Giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam loại gạo 5% tấm từ 900 - 950 USD/tấn FOB, giảm nhiều so với mức trước đó.
Ngày 23/5 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã từng đạt được mức giá chào bán cao nhất cho loại 100% B là 1.000 - 1.100 USD/tấn, 5% tấm là 975 - 1003 USD/tấn; gạo Việt Nam 5% B là 950 - 1.000 USD/tấn.
Không tăng mạnh nhưng sẽ đứng ở mức cao
Trong những tháng đầu năm, do tình hình thời tiết, sâu bệnh tại nhiều nơi trên thế giới, sản lượng lương thực giảm tại nhiều nước, trong khi chi phí sản xuất đầu vào và nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao cùng với tâm lý lo ngại thiếu nguồn cung, một số nước đã tạm thời thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu gạo.
Được mùa nhưng giá khó giảm, do chi phí sản xuất tăng cao. (Ảnh: agroviet) |
Điều này đã tạo sức ép để gạo xuất khẩu tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm, tại mức giá kỷ lục như trên, giá gạo Thái Lan tăng từ 610 - 730 USD/tấn, gạo Việt Nam tăng từ 580 - 640 USD/tấn so với cùng kỳ. Thậm chí ở một số nước đã xuất hiện hiện tượng khan hiếm gạo là dấu hiệu cho thấy nhu cầu gạo đang rất lớn và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác.
Hiện nay, tuy đã bắt đầu giảm khi vào vụ thu hoạch nhưng giá chào bán gạo xuất khẩu của Thái Lan vẫn cao hơn từ 445 - 523 USD/tấn, giá gạo của Việt Nam cao hơn từ 613 - 648 USD/tấn so với thời điểm bình thường trước đây.
Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, sản lượng gạo thế giới niên vụ 2008-2009 đạt 445,3 triệu tấn, tăng 2,3% so với niên vụ trước. Tiêu thụ gạo thế giới niên vụ 2008-2009 đạt 444,9 triệu tấn, tăng 1,8% so với niên vụ trước. Cân đối cung cầu không thiếu hụt.
Trên thực tế, dù đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng so với cùng thời điểm năm 2007, giá lương thực năm nay vẫn có mức giá rất cao. So sánh cho thấy, giá thóc tẻ đã tăng từ 2.500 - 2.700 đồng/kg ở phía Bắc và tăng 1.700 - 1.800 đồng/kg ở phía Nam; tương tự gạo tẻ thường tăng từ 2.700 - 3.300 và 2.900 - 3.500 đồng/kg.
Chính vì thế, Bộ Công thương cho rằng, tuy nguồn cung lương thực trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhưng do tác động của chi phí sản xuất đầu vào, giá cả nhiều mặt hàng khác tăng cùng với tác động của giá gạo thế giới ở mức cao nên khả năng giá lương thực còn tăng nhẹ, khả năng giá lương thực chỉ giảm trong thời gian ngắn của giai đoạn thu hoạch.