00:00 Số lượt truy cập: 2993682

Duyên nợ với sầu riêng 

Được đăng : 03/11/2016
Quyết tâm đốn hạ vườn sầu riêng đang cho trái để thử nghiệm lai tạo, tìm ra một giống mới; chấp nhận 5 năm không thu hoạch để nuôi giấc mơ về một giống sầu riêng đột biến. Sự kiên trì của ông Nguyễn Tiến Tài, còn gọi là Tư Tài, cuối cùng đã được đền đáp khi Thiên Hương - giống sầu riêng mới mang tên con gái ông đã ra đời. Từ đó, nhiều người dân ở xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh gọi ông bằng cái tên “Ông Sầu Riêng”.

Cây sầu riêng gần 14 năm tuổi là 1 trong 3 cây đầu dòng của giống sầu riêng Thiên Hương Tây Ninh do chính ông Tư Tài lai tạo ra. Hiện nay toàn bộ khu vườn rộng gần 14000 m2 của ông có khoảng 140 cây thuộc giống này đang cho trái. Với năng suất bình quân 70 trái/cây, mỗi năm, vườn sầu riêng mang về cho ông Tài khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.

Ông Tài trong vườn sầu riêng nhà mình.


Nung nấu quyết tâm cải tạo vườn sầu riêng.


Năm 1996, trong một lần về Tây Ninh công tác, ông Tư Tài đã được một người bạn giới thiệu cho khu vườn hiện tại. Khu vườn đang có 40 gốc sầu riêng xen với 100 gốc chôm chôm đang cho trái, có giá bán 30 cây vàng. Vốn dĩ xuất thân là bộ đội sau đó chuyển sang giảng dạy về cơ khí, ông Tài không hề có kinh nghiệm vườn tược nhưng ông vẫn quyết định mua lại khu vườn dành để dưỡng già. Nhưng dưỡng già đâu chưa thấy, khu vườn mới mua lại khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi lẽ tuy nói là 40 gốc sầu riêng nhưng chỉ có 25 gốc cho trái, đã thế, trái ngon thì ít mà trái dở lại nhiều, bán ra bị trả lại, vợ chồng ông phải hoàn tiền cho người.


Từ thực tế đó, ông nung nấu quyết tâm phải cải tạo cho bằng được vườn sầu riêng. Ông bèn chọn ra các trái ngon nhất để lấy hạt rồi đem ươm thành cây giống. Ông nghĩ trong hàng trăm cây mình ươm chắc chắn sẽ có cây đột biến, cho trái ngon. Trong thâm tâm ông biết, khả năng có sự đột biến đó là rất thấp nhưng ông vẫn nuôi hy vọng.


Nuôi hy vọng đó, Tư Tài đã đi đến một quyết định được xem là táo bạo và khó khăn nhất trong cuộc đời làm vườn của ông cho đến nay. Đó là chặt bỏ toàn bộ 40 cây sầu riêng đang có để ghép vào các cây giống đã ươm. Dĩ nhiên, quyết định đó, thực sự là một cú sốc lớn đối với cả gia đình ông, nhất là đối với bà Lan. Bà Lan tâm sự : “Tôi cứ năn nỉ ông thôi anh ơi, để đó đi, nó dở thì mình bán rẻ thì mình lấy tiền cũng có, chứ còn bây giờ anh chặt hết thì sống bằng gì. Ông bảo, thôi tôi quyết định rồi, đừng có cản ngăn tôi, tôi không có nghe đâu. Tôi quỳ xuống tôi khóc, tôi năn nỉ, thôi ông ơi cho tôi xin ông đừng chặt nữa. Mà lúc tôi năn nỉ dường như là thêm sức cho ông ấy, ông ấy chặt ầm ầm, tôi quỳ xuống tôi khóc, ông đỡ tôi lên, bảo thôi đi vào nhà đừng khóc, người ta biết được người ta cười chết, để tôi quyết định, coi như tôi không có làm chuyện gì mà tôi không suy nghĩ đâu, tôi đã suy nghĩ rồi thì đừng có cản ngăn, tôi làm là phải có thắng lợi.”


5 năm qua đi, cũng là lúc những cây sầu riêng mới cho mùa trái đầu tiên. Đúng như ông suy nghĩ, không có quá nhiều sự đột biến, trái lại, cây cho trái dở khá nhiều. Lại ngặt nỗi, ông Tư Tài không hề ăn được sầu riêng, cho nên, ngon hay dở đều là khách hành bình phẩm. Phải mất thêm 3 mùa trái nữa, ông mới có thể chọn ra 5 cây cho trái ngon nhất, trong đó có Thiên Hương.

Theo ông Tư Tài, ông đặt tên Thiên Hương mang nặng ý nghĩa tâm linh. Bởi theo ông Tài chia sẻ thì Tây Ninh có núi Bà Đen thờ bà Lý Thiên Hương, thiêng nhất tỉnh Tây Ninh nên hàng năm tiếp hàng triệu lượt khách thập phương đến cầu khấn. Đặc biệt là cô con gái của ông Tài cũng tên là Thiên Hương, với ông người con này là con cầu con khẩn, được ông xin từ bà Thiên Hương.


Đối với bà Lan - vợ ông, ký ức về mùa trái đầu tiên của cây sầu riêng Thiên Hương vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua. “Cái trái đầu tiên là hơn 9 kg, tôi bán trái đầu đó tương đương với hơn 1 bao gạo, mua về người ta nói rằng ăn 7 ngày không hết mà múi nào múi nấy mở ra bằng cái chén”- Bà Lan nói.


Thế nhưng ít ai biết được rằng, 8 năm trước mùa trái đầu tiên này, bà đã từng ngã quỵ giữa vườn kêu khóc khi ông Tư Tài quyết định chặt ngang toàn bộ 40 cây sầu riêng đang cho trái - vốn là kế sinh nhai của cả gia đình khi đó.


Năm 2007, ông đăng ký thành công nhãn hiệu sầu riêng Thiên Hương. Lại một lần nữa, ông cưa ngang những gốc sầu riêng trong vườn. Thế nhưng lần này, vợ ông không khóc, cũng không phản đối. Bởi lẽ lần này, ông chặt bỏ những cây sầu riêng cho trái dở để nhân rộng giống sầu riêng Thiên Hương thơm ngon đặc biệt ra toàn vườn. Lại thêm 5 năm chờ đợi như lần trước, có điều lần này, Tư Tài  không còn thấp thỏm hy vọng sự đột biến nào nữa.


Cách làm sáng tạo mang hiệu quả cao.


Vốn nghề cơ khí, kinh nghiệm vườn tược của Tư Tài gần như bằng không. Thế nhưng điều đáng khâm phục ở lão nông này chính là khả năng biến không thành có, biến kinh nghiệm của người khác thành cách làm của mình, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.

Công trình guồng nước ông Tài tự chế để tưới vườn cây.

Ông Tài đã tự thiết kế hệ thống tưới tự động. Hệ thống này có guồng nước lấy nước từ con suối bên dưới, sau đó sẽ dẫn vào vườn sầu riêng thông qua hệ thống đường ống. Không cần điện, không cần sức người, chỉ qua một đêm là nước sẽ được đưa đến đến tràn ngập các gốc sầu riêng hoặc chôm chôm.


Chỉ khi cây đang ra hoa và trái nhỏ thì ông Tài mới không dùng guồng vì nước nhiều sẽ làm bông trái rụng. Thời gian còn lại, ông chia đều cứ 4 ngày sẽ đưa nước từ guồng đến một khu nhất định. Nhờ có hệ thống này, ông có thể tiết kiệm được gần như tối đa tiền điện chạy máy bơm nước. Ông Tài bộc bạch: “Từ ngày có guồng đến giờ mình giảm được ¾ tiền điện một năm. Ví dụ 1 năm mình chỉ sử dụng ¼ tiền điện:  lúc nó đang ra bông ra hoa ra nụ  thì  tưới điện, tưới nhắp, tưới sương sương thôi, còn khi trái lớn lên rồi mình tưới nước không sợ dư nước, rụng trái thì lúc đó mình tưới guồng thì chỉ tốn ¼ tiền điện.”


Không chỉ tưới nước, cách bón phân của ông cũng vô cùng đặc biệt. Không bón nhiều phân hóa học, cũng không dùng phân chuồng hoai, phân bón ông sử dụng là mắm cá. Nhờ mắm cá mà những trái sầu riêng của ông dường như ngon hơn bình thường lại giúp tiết kiệm đáng kế chi phí phân bón. Cách làm này tình cờ được ông phát hiện trong một lần về quê vợ.


“Bấy giờ có một ông cậu vợ ở Trảng Bàng, ông có 1 cái cây ở bên gần sàn nước, thường rửa thịt, rửa cá, đến khi cả nhà ăn thấy nó ngon, thế rồi mới khẳng định trái sầu riêng này là ngon. Thế là tôi mới bắt đầu học. Nó gần như là phân bón đó, tôi toàn sử dụng cái đó. Nó rẻ hơn gấp 3-4 lần, ví dụ trước đây vườn tôi chi phí tiền phân 15-16 triệu chưa đủ, mà giờ sử dụng mắm cá làm phân bón thì chi phí có 5-6 triệu thôi.”- Ông Tài nói.


Với những cách làm hiệu quả đó, năm 2012, vườn sầu riêng đã mang về cho ông thu nhập gần 250 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, ông lãi hơn 200 triệu đồng. Dự tính mùa trái năm nay thu nhập sẽ còn cao hơn.


Nhiều người có thể cho rằng thành công của cha đẻ trái sầu riêng Thiên Hương là nhờ ăn may. Nhưng với Tư Tài, không có thành công nào là không phải trả giá. Cũng như với ông, nếu không có Thiên Hương, thì cũng không phải là thất bại. Vì khi đó, ông đã thành công trong việc bảo vệ giá trị của mình, điều ông luôn coi là lẽ sống.