Ngày 7/6, Ủy ban châu Âu (EC) cam kết sẽ xem xét tăng thêm mức hỗ trợ cho các nhà trồng rau châu Âu bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch khuẩn E.coli gây nhiễm trùng đường ruột ở châu lục này hiện nay.
Trước đó, cùng ngày, trong cuộc họp khẩn cấp với bộ trưởng Nông nghiệp 27 nước Liên minh châu Âu (EU) tại Luxembourg bàn biện pháp hỗ trợ các nông trại bị ảnh hưởng bởi đợt dịch E.coli, EC đề xuất trợ giúp khẩn cấp 150 triệu euro cho các nhà trồng rau ở châu Âu.
Tuy nhiên, bộ trưởng Nông nghiệp các nước EU đề nghị EC bồi thường mức cao hơn vì cho rằng mức hỗ trợ 150 triệu ơrô là quá ít, chỉ bằng 30% con số thiệt hại thực tế mà nông dân EU phải gánh chịu.
Hai tuần kể từ sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên, vi khuẩn gây tiêu chảy xuất huyết E.coli đến nay đã làm 25 người thiệt mạng.
Đại đa số các trường hợp tử vong là ở Đức. Ngoài ra còn có 2.300 người phải nhập viện tại 14 quốc gia thành viên EU.
Nguồn gốc vi khuẩn gây bệnh cho tới giờ vẫn chưa rõ. Sau những thông tin đầu tiên nghi ngờ nguồn bệnh xuất phát từ dưa chuột Tây Ban Nha, giới y tế Đức tập trung truy tìm E.coli trong giá đỗ sống và các loại hạt mầm làm giá trong các sơ sở sản xuất tại miền Bắc nước Đức, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Tâm lý lo ngại của người tiêu dùng gây thiệt hại cho ngành trồng rau cải tại châu Âu. Riêng Tây Ban Nha đòi Đức phải bồi thường 225 triệu euro đền bù mỗi tuần lễ thiệt hại.
Chính phủ Đức cũng bị EC chỉ trích thông tin sai lạc gây thiệt hại cho nông nghiệp. Trước sự thiệt hại và bất bình của ngành trồng trọt, chính phủ các nước thành viên phải ban hành biện pháp trợ giúp khẩn cấp 150 triệu euro.
Bên cạnh tình trạng hạn hán gây ra nhiều thiệt hại cho giới chăn nuôi, còn phải kể đến thiệt hại đối với các nông gia do vi khuẩn E.coli gây nên. Chỉ trong vài ngày, thị trường rau quả tươi châu Âu gần như đã sụp đổ. Dịch tiêu chảy gây chết người đã diễn ra vào đúng vụ mùa được coi là thời điểm thuận lợi nhất trong năm.
Theo các nhà phân tích, cuộc họp khẩn cấp để xem xét hỗ trợ cho nông dân được tiến hành trên cơ sở đề nghị của các nước và trước những khó khăn lớn trước mắt của ngành trồng rau các nước trong EU.
Song thực tế, hiện nay EU chưa xác định sẽ sử dụng khoản tài chính nào, hay sẽ phải huy động bao nhiêu vốn để đền bù thiệt hại cho nông gia, và cũng chưa biết sẽ bồi thường cho các nạn nhân theo khuôn khổ pháp lý nào.
Trước mắt, EC khuyến cáo các bên nên tránh để những biện pháp trợ giúp nông dân tạo nên tình huống cạnh tranh bất bình đẳng giữa các thành viên.
Một trong những giải pháp mà EC có thể hướng tới là thành lập một quỹ đặc biệt. Quỹ này sẽ do chính EC và các nước thành viên trong EU đóng góp và sẽ được sử dụng để bồi thường cho các tổ hợp cũng như các nhà sản xuất rau quả tư nhân. Điều chắc chắn là sẽ không một ai được đền bù thiệt hại 100%.