Trong đó, có 2 doanh nghiệp thủy sản sản xuất đồ hộp, 23 cơ sở còn lại sản xuất hàng thủy sản đông lạnh.
Năm qua, Tổng vụ Y tế và Bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng DU đã 2 lần cử đoàn thanh tra sang thanh tra chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi (1/2007) và thanh tra hoạt động kiểm soát VSATTP thuỷ sản chung và sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ (9/2007).
Kết quả, phía EU đánh giá cao hoạt động kiểm soát VS ATTP thuỷ sản của Việt Nam, đáp ứng được các yêu cầu của EU và tiếp tục được phép xuất khẩu vào thị trường này.
Với hơn 500 triệu dân, EU là thị trường nhập khẩu lớn của thuỷ sản Việt Nam, với thị phần trên 39%. Trong năm 2007, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU đạt 274.700 tấn, kim ngạch hơn 912 triệu USD, tăng 29% về kim ngạch so với năm 2006.
Các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu dự báo, căn cứ theo đánh giá của nước sở tại và dự báo mức tăng trưởng khối lượng của toàn thị trường (khoảng 5-8%), giá thuỷ sản tại khu vực này trong năm nay sẽ ổn định và tăng từ 5-7%, tuỳ thị trường. Song, các DN cần lưu ý đối thủ xuất khẩu tôm đông lạnh chính vào châu Âu là các nước Bắc Âu, Nga, Ecuador, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Canada...
Mặc dù các khu vực khác nguồn cung tôm ngày càng giảm, nhưng riêng vào EU dự báo không giảm, trong đó thị phần xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào châu Âu khoảng 4%. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tới EU năm 2008 sẽ đạt trên 1 tỷ USD và tiếp tục là khu vực xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam.
EU đang là khu vực nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của thế giới. Năm 2006, 25 quốc gia thuộc liên minh này nhập khẩu khoảng 38,9 tỷ USD thuỷ sản, tăng 10,7% so với năm 2005.