00:00 Số lượt truy cập: 3000049

Ép trấu thành củi 

Được đăng : 03/11/2016
“Từ bao đời nay, rơm rạ, trấu, mùn cưa,... là chất đốt chủ yếu mà nông dân sử dụng. Điều này cũng là lẽ đương nhiên khi Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo thứ hai thế giới. Chính vì vậy, biến phế phẩm nông nghiệp thành chất đốt là cách tiết kiệm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường hiệu quả”, anh Trần Đình Lai ở thôn An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) lý giải về cơ duyên của mình với những chiếc máy ép trấu như thế.

Mày mò nghiên cứu

Một lần đạp xe rong ruổi về quê ngoại, thấy trấu chất thành đống, trải dài suốt con đường làng, anh Lai nảy ra ý tưởng chế tạo loại máy có thể biến trấu thành củi. Trấu có ưu điểm ít khói, rẻ tiền, dễ tìm, tuy nhiên lại có nhược điểm là chiếm diện tích dự trữ khá lớn, chi phí vận chuyển cao. Ý tưởng chế tạo một chiếc máy ép trấu thành củi hình thành từ đó. Nhưng để thành công, anh đã phải đi học nghề cơ khí.

Năm 1999, anh mở xưởng riêng, sửa chữa, chế tạo các dụng cụ đơn giản như máy bơm, máy khoan,... Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm kinh doanh, đơn hàng ít, vật tư thiếu, thợ lành nghề khó kiếm nên xưởng không duy trì được lâu. Năm 2003, anh lại lặn lội học nghề ở hàng loạt xưởng cơ khí tại Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau... Mãi đến năm 2009, anh mới dốc sức vào chế tạo máy ép trấu. Anh đã dày công nghiên cứu từ nhiều tài liệu và khẳng định rằng, củi trấu góp phần giải quyết khuyết điểm của trấu bởi không tốn diện tích dự trữ. Củi trấu được nén chặt có tỉ trọng 1.000kg/m3 với bề mặt được cácbon hóa cao nên dễ bén lửa, cháy tốt; giá thành lại rẻ hơn so với củi cây và than đá, chi phí vận chuyển thấp.

Tất cả những thông số kỹ thuật ấy được anh ghi chép lại một cách tỉ mỉ, sau đó phác họa sơ đồ thân máy, tìm mua các thiết bị để lắp ráp. Chiếc máy hoàn thành dựa trên nguyên lý hoạt động của máy ép dạng trục vít có gia nhiệt cho khuôn ép. “Nhìn những thanh củi trấu tôi không tin vào mắt mình. Đó chính là niềm hạnh phúc nhất mà tôi đã phải cố gắng rất nhiều mới thành công”, anh Lai chia sẻ, Công nghệ ép này không cần chất kết dính, nhưng vẫn tạo thành thỏi cứng tự nhiên. Chỉ cần cho 1,1kg trấu vào máy sẽ cho ra 1kg củi, mỗi thanh củi dài khoảng 40cm, đường kính 78cm.

Tạo việc làm cho nhiều lao động

Bây giờ, xưởng máy của anh Lai phải chạy tối ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong vùng. Dây chuyền ép trấu thành củi của anh Lai tạo ra 200kg củi/giờ. Hiện xưởng đang tạo việc làm cho 10-15 nhân công.

Theo anh Lai, lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh củi này cũng khá hấp dẫn. Một 1kg trấu được anh mua với giá 200 đồng; tiền điện, bao bì khoảng 250 đồng. Vị chi, để có 1kg củi trấu, anh Lai tốn 450 đồng tiền vốn, trong khi giá bán ra là 800 đồng/kg. Với công suất 150 - 200kg củi/giờ, mỗi ngày anh Lai thu về 500.000 đồng.

Anh cho biết, dù chưa quảng bá nhưng với giá 32 triệu đồng/dây chuyền, máy ép trấu đã có nhiều người đặt hàng. “Tôi dự định sẽ mở một nhà máy ép củi trấu dây chuyền sản xuất 3 tấn/ngày, trước mắt đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu vực, tạo việc cho hàng trăm thanh niên”, anh Lai nói.

Việc chế tạo thành công và đưa vào sản xuất máy ép trấu thành củi của anh Lai đã cho ra đời một sản phẩm chất đốt có chất lượng, vừa tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không những thế, còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.