Ông Lãnh kiểm tra đàn ong vừa cho xuất mật.
Nói đến ông Lãnh nuôi ong, hầu như người dân xã Trường Xuân ai cũng biết bởi ông là gương điển hình làm kinh tế giỏi của huyện, tỉnh.
Xuất ngũ trở về quê hương, ông Lãnh khởi nghiệp bằng nghề nuôi ong lấy mật. Ban đầu do nguồn vốn hạn hẹp nên ông chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Kinh nghiệm nuôi ong chưa có nên thời gian đầu, đàn ong với số lượng hơn 1.000 con đã lũ lượt rời tổ bay đi.
"Hy vọng bao nhiêu vào mẻ ong đầu tiên thì thu được bấy nhiêu thất vọng. Vốn liếng mất sạch, tôi chạy vạy khắp nơi vay mượn hòng gầy dựng lại. Để tránh đi lại vết xe đổ, tôi đã đi khắp nơi tìm hiểu kỹ lưỡng cách thức, quy trình nuôi ong hiệu quả của các cơ sở nuôi ong lớn trên địa bàn huyện"- ông Lãnh nhớ lại... Đến nay, sau 10 năm vừa nhân giống vừa bán mật, từ 1 đàn ong giống ban đầu, ông đã nhân lên thành 50 đàn, doanh thu bán mật 50 triệu đồng/năm.
Không chỉ thành công với mô hình nuôi ong lấy mật, ông Lãnh còn là người trồng rừng giỏi với diện tích hàng chục ha . "Gần 10 năm tích cực trồng rừng trên diện tích 26ha với 3 loại cây chủ đạo là keo, tràm, bạch đàn và cứ theo chu kỳ 5 năm cho thu hoạch một lần, gia đình tôi thu nhập trên dưới 200 trăm triệu đồng/năm" - ông Lãnh cho biết. Ở xã vùng sâu, vùng xa Trường Xuân, mô hình làm kinh tế giỏi như ông Lãnh không phải là nhiều. Thành tích 5 năm liền là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu của người cựu chiến binh ấy.