00:00 Số lượt truy cập: 3060500

Gà chết nhiều ở Long An và Tiền Giang có thể do bệnh Marek 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Cục Thú y, một số trại chăn nuôi ở tỉnh Tiền Giang và Long An có hiện tượng gà chết nhiều, rải rác trong những tháng gần đây, nguyên nhân bước đầu được xác định do mắc bệnh Marek.

Theo điều tra sơ bộ, ở thị xã Tân An, tỉnh Long An có 15 hộ chăn nuôi (quy mô từ 200 con đến 1.500 con) có 4.700 gia cầm, khoảng 75 ngày tuổi trở lên bị bệnh, trong đó có 1.360 con chết.

Tỉnh Tiền Giang có 43 hộ chăn nuôi ở ba ấp, thuộc ba xã của huyện Chợ Gạo có gia cầm bị bệnh, ốm chết. Người dân khai báo từ tháng 10 đến nay, có khoảng 77.600 con mắc bệnh, trong đó chết 38.100 con (lứa tuổi từ 2,5 đến 5 tháng), cũng biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nghi nhiễm bệnh Marek.

Tất cả các đàn gia cầm này đều lấy giống từ Công ty cổ phần CP Việt Nam và đều được tiêm vaccine phòng bệnh Marek, cúm gia cầm. Cục Thú y đã tổ chức tiến hành lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, một hai ngày tới sẽ có kết quả.

Theo Phó Cục trưởng Thú y Hoàng Văn Năm, marek là một bệnh truyền nhiễm của gà, do một loại virus nhóm herpes gây ra. Ðặc trưng là tăng sinh cao độ tế bào limphô dưới hình thức khối u ở tổ chức thần kinh ngoại biên, các cơ quan nội tạng, da và cơ làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận động và bại liệt. Tùy thuộc độc lực của căn bệnh và sức đề kháng của cơ thể, bệnh có thể ở thể cấp, hoặc mãn tính.

Bệnh chủ yếu xuất hiện trên đàn gà giống bố mẹ, không gây thành dịch lớn và tiến triển chậm; thường gặp ở chăn nuôi gà tập trung và đối với gà chuẩn bị đẻ là phổ biến. Ðàn gà đẻ nhiễm bệnh thì giảm tỷ lệ đẻ, triệu chứng điển hình là ủ rũ, bỏ ăn, xù lông, chân liệt, tỷ lệ chết cao, nhưng chết rải rác.

Bệnh Marek có từ lâu, rải rác nhỏ lẻ nên chưa được báo cáo nhiều. Bệnh này đã có vaccine phòng, tiêm một mũi duy nhất ngay từ khi gà một ngày tuổi.

Ðối với gà nuôi sinh sản, bắt buộc phải tiêm vaccine ngay tại trại ấp, còn gà thịt không khuyến cáo dùng vaccine Marek do thời gian chăn nuôi ngắn. Bệnh Marek không lây sang người.

Ở các hộ chăn nuôi trên, phần lớn gà mắc bệnh đều là gà giống chuẩn bị đẻ, chưa lây lan sang các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Nếu đàn gà giống được tiêm phòng tốt, thì khả năng lây sang các đàn khác sẽ được hạn chế. Vấn đề là cần phải điều tra xem các đàn gia cầm có đúng đã tiêm phòng vaccine chưa, hoặc vaccine có phù hợp không?

Trước mắt, Cục Thú y yêu cầu Cơ quan thú y vùng, các chi cục thú y rà soát lại việc tiêm phòng cũng như xem lại chất lượng vaccine và chủng loại vaccine. Nếu chưa tiêm phải tiêm bổ sung ngay, những cơ sở giống phải thực hiện nghiêm việc tiêm phòng và chất lượng vaccine phải tốt.

Cục Thú y cũng khuyến cáo, để ngăn ngừa bệnh, biện pháp trước mắt cần phải thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, xử lý tốt các chất tồn dư (phân, rác) bằng cách đốt là chính, cách ly những con không bị bệnh; trong thời gian xử lý mầm bệnh không được nhập gà giống về nuôi; đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc vận chuyển, bán tháo gà bệnh.