Thời gian gần đây, giá các loại hàng hóa đua nhau leo thang, trong đó các mặt hàng thực phẩm tăng mạnh nhất (giá thủy hải sản, thịt heo không thua gì dịp Tết). Thế nhưng riêng mặt hàng thịt gà giá lại giảm đáng kể. Điều gì đang xảy ra với loại thực phẩm này?
Gà ngoại về nhiều, giá liên tục giảm
Nguồn tin từ Chi cục Thú y TPHCM cho biết từ cuối năm ngoái đến nay, mặt hàng thịt gia cầm từ các địa phương khác đưa về TP tiêu thụ tăng mạnh, từ 48%-76%. Đặc biệt, nguồn thịt gà nhập khẩu cũng đang tăng rất cao. Hiện mỗi ngày, TPHCM tiêu thụ gần 80 tấn thịt gà ngoại. Nếu tính cả nguồn gà ngoại đưa về tiêu thụ tại các tỉnh, mức tiêu thụ phải trên trăm tấn/ngày. Riêng những ngày cuối tuần, dịp lễ, khoảng gần 200 tấn/ngày. Theo giới kinh doanh thịt gà ngoại, mỗi tháng nguồn hàng này nhập về các cảng TPHCM hàng trăm container. Vào thời điểm này vẫn còn trên 100 container (26 tấn/container) nằm tại các cảng đang chờ thông quan... Nguồn hàng được nhập từ trước Tết vẫn chưa tiêu thụ hết (lượng tồn kho còn hàng chục ngàn tấn) nên các doanh nghiệp đang bung hàng ra bán để nhập hàng tiếp.
Ông Đoàn Ngọc Thơ, một nhà môi giới nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm, cho biết do mặt hàng này đang tiêu thụ mạnh, thuế lại thấp nên gần đây có đến hàng chục đơn vị đua nhau nhập. Hàng nhiều, nên giá bán liên tục giảm, hiện chỉ khoảng 40.000 đồng/kg cánh, giá đùi góc tư là 25.000 đồng/kg, má đùi 23.000 đồng/kg, đùi tỏi 30.000 đồng/kg. Với mức giá trên, giới kinh doanh vẫn còn lãi khá lớn vì giá thành nhập khẩu chỉ khoảng trên 30.000 đồng/kg cánh, 18.000 đồng- 22.000 đồng/kg đùi...
Nhiều trại nuôi gà có nguy cơ phá sản
Do lượng gà ngoại (giá rẻ) về nhiều nên đã kéo giá gà trong nước giảm theo. Cuối năm ngoái, giá gà tại các trại chăn nuôi vẫn còn khoảng 38.000 đồng/kg (gà thả vườn), gà công nghiệp 30.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 29.000 đồng và 21.000 đồng/kg. Thịt gà tam hoàng trên thị trường hiện cũng chỉ còn 33.000 đồng/kg, gà ta nuôi lưới 58.000 đồng/kg... Giá đầu ra giảm mạnh trong khi đó giá con giống từ 8.000 đồng tăng lên 11.000 đồng/con; giá thức ăn chăn nuôi tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái... khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh lỗ lã nặng. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh (một trong những đơn vị có nhiều trại gà ở Bà Rịa-Vũng Tàu), tính toán: Nếu cuối năm ngoái, giá thành nuôi 1kg gà khoảng 22.000 đồng thì nay tăng lên từ 27.000 đồng- 28.000 đồng/kg (chưa kể thuốc men, chi phí chăm sóc)...
Trước tình hình lỗ lã, giới chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đang phải thu hẹp quy mô chăn nuôi. Nhiều trại chăn nuôi quy mô lớn trước đây luôn có hàng chục ngàn con đến cả trăm ngàn con nay phải giảm đàn đến 50%, thậm chí một số trại chỉ nuôi vài ngàn con để giữ mối. Trại gà của ông Năm Nhựt ở Bình Dương cũng như nhiều trại khác hiện đã phải tạm ngưng nuôi vì lỗ cả trăm triệu đồng. Một số trại gà khác đang rao bán nhưng chưa có ai hỏi mua. Ông Mười, chủ một trại gà ở Long Khánh (Đồng Nai), cho biết giá thức ăn tăng cao nên trại của ông hạn chế mua thức ăn chế biến sẵn của các nhà máy mà chuyển sang mua nguyên liệu thô về trộn cho gà ăn để cầm cự...
Giới kinh doanh gia cầm cho biết, nếu nguồn gà ngoại không chiếm lĩnh thị trường thì giá gà trong nước thời gian qua đã tăng từ 15%-20%.
Lượng thịt heo nhập khẩu sẽ tăng Do giá thịt heo trong nước tăng cao nên gần đây thịt heo ngoại cũng đã bắt đầu xâm nhập thị trường trong nước. Hiện mỗi tháng, các doanh nghiệp nhập khoảng 5 container, tương đương 153 tấn thịt heo. Dự báo, nguồn thịt heo ngoại nhập sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do giá thịt heo trong nước đang tăng (tại chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai, quận Tân Bình - TPHCM giá bán lẻ thịt nạc hiện là 72.000 đồng/kg, thịt đùi 68.000 đồng/kg, ba rọi 62.000 đồng/kg). L.Giang |