Giữa tháng 6.2007, thông tin từ Bộ Thương mại cho biết: Khoảng 300 tấn gạo tẻ của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản đã bị phát hiện có dư lượng chất acetamiprid 0,03ppm, vượt mức cho phép (0,01ppm). Thông tin này khiến nhiều đơn vị xuất khẩu gạo lo ngại. Tuy nhiên, qua kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng hoàn toàn không thấy dư lượng acetamiprid trong gạo Việt Nam...
Theo ông Hoàng Văn Thông - Trưởng phòng kế hoạch khoa học và quan hệ quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NNPTNT), Cục BVTV đã khẩn trương phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có gạo xuất khẩu sang Nhật Bản - kiểm tra thông tin trên. Kết quả kiểm tra cho thấy: Từ tháng 1.2007 đến ngày 19.6.2007, các tỉnh phía nam đã xuất hơn 64.035 tấn gạo sang Nhật Bản.
Trong tháng 5.2007, xuất 18.979,5 tấn sang Nhật, do 2 Cty liên doanh Angimex-Kitoku, thuộc tỉnh An Giang (7.000,02 tấn) và Cty Dagrimex - tức Cty lương thực Đồng Tháp (11.979,41 tấn). Tại 2 Cty này, không còn lưu mẫu gạo đã xuất sang Nhật Bản, nên Cục BVTV không thể lấy mẫu để phân tích dư lượng acetamiprid.
May mắn, tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II (thuộc Cục BVTV) vẫn còn lưu 3 mẫu gạo đại diện cho 3 lô gạo xuất sang Nhật Bản. Và, Cục BVTV đã phân tích 3 mẫu gạo trên cho kết quả: Không phát hiện dư lượng acetamiprid trong 3 mẫu gạo lưu.
Vấn đề đặt ra, tại sao Nhật Bản nói có acetamiprid, còn Việt Nam kiểm tra không thấy? Ông Phạm Minh Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV phía nam - cho rằng: Cách test kiểm tra dư lượng acetamiprid giữa Nhật Bản và Việt Nam không khác nhau, đều dùng sắc khí khối phổ phân tích, nên khẳng định kết quả phân tích của Việt Nam là chính xác.
Hơn nữa, acetamiprid là loại kháng sinh diệt rầy xanh, côn trùng trong trồng lúa. Chất này tiêu huỷ nhanh. Do đó, kết quả cho thấy gạo Việt Nam không tồn dư lượng acetamiprid tới mức 0,03ppm là có cơ sở để tin cậy.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về gạo, không lấy đó mà chủ quan. Sự kiện này cho thấy hơn bao giờ hết, cần phải có quy định, cơ chế kiểm tra chất lượng cho hạt gạo Việt Nam, trước khi ra thế giới. Riêng với thị trường Nhật Bản - một trong 10 thị trường gạo lớn và đầy tiềm năng của Việt Nam. Bất cứ một sơ suất xảy ra, đều dẫn tới việc mất thị trường này mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất khẩu gạo của quốc gia.