00:00 Số lượt truy cập: 2999906

Gạo Việt gặp thời 

Được đăng : 03/11/2016

Việc Thái Lan tăng giá mua lúa từ ngày 7-10, đồng thời Indonesia và Philippines đều phải nhập khẩu nhiều gạo khiến hạt gạo Việt Nam được giá. Nhiều khách hàng và doanh nhân của Thái Lan đã sang Việt Nam xúc tiến đầu tư nhà máy chế biến gạo để làm ăn lâu dài.


Nông dân Đồng Tháp Mười thu hoạch lúa hè thu 2011- Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Giá gạo xuất khẩu của VN đang trong xu hướng tăng mạnh, nhiều chuyên gia nhận định giá gạo sẽ tăng nữa do Thái Lan tăng giá mua lúa nội địa từ ngày 7-10. VN sẽ hưởng lợi vì nhiều khả năng khách hàng sẽ chuyển từ mua gạo Thái Lan sang mua gạo VN.

Trong khi đó, Cục Trồng trọt khẳng định sản lượng lúa năm nay sẽ tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2010, do vậy sẽ có đủ nguồn cung để giữ ổn định thị trường trong nước.

Chuyển từ Thái sang VN

Theo nhiều công ty lương thực, khách hàng trước đây của Thái Lan đã bắt đầu chuyển hướng tìm nguồn cung khác khi nước này tăng giá gạo. Trong đó VN sẽ là điểm thu hút đối tác nước ngoài vì nguồn cung gạo chất lượng cao tương tự Thái Lan trong khi giá thấp hơn. Thậm chí theo ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), hơn một tháng qua nhiều doanh nhân Thái Lan cũng đã đến VN tìm nguồn cung cấp gạo. Ngoài tìm nguồn hàng xuất khẩu trước mắt, các doanh nhân này còn xúc tiến lập công ty, đầu tư nhà máy gạo tại VN để xuất khẩu lâu dài.

6 triệu tấn

Đó là lượng gạo xuất khẩu tính đến hết tháng 9-2011 với kim ngạch 2,816 tỉ USD, tăng 9,13% về lượng và 23,71% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân tăng 56,5 USD/tấn.

Các chuyên gia dự báo giá lúa gạo sẽ còn tăng trong thời gian tới do cung cầu thế giới vẫn ổn định, trong khi Thái Lan đang chuẩn bị tăng giá mua lúa gạo trong nước. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, các yếu tố cung cầu gạo thế giới đều tăng khá nhanh trong niên vụ 2010-2011. Dù lượng gạo sản xuất trên toàn cầu đạt 451,2 triệu tấn, tăng 11,1 triệu tấn so với niên vụ trước nhưng lượng tiêu thụ cũng tăng tới 10,5 triệu tấn. Trong đó lượng gạo thương mại tăng từ 31,6 triệu tấn trong niên vụ trước lên 32,7 triệu tấn trong niên vụ này.

Yếu tố quan trọng nhất chi phối giá cả thị trường gạo thế giới trong thời gian tới, theo các chuyên gia, là việc Thái Lan công bố tăng giá mua lúa nội địa kể từ ngày 7-10. Khi đó, giá lúa mới của Thái sẽ là 15.000 baht/tấn lúa thường, tương ứng giá gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan sẽ ở mức 750-800 USD/tấn. Mức giá này rất cao và dù thị trường có chấp nhận mức giá xuất khẩu mới của Thái Lan hay không thì giá gạo thế giới sẽ lên một mặt bằng mới. Bởi ngay cả khi thị trường không chấp nhận giá của Thái Lan thì nước này sẽ phải tạm ngưng xuất khẩu gạo, làm nguồn cung khan hiếm và giá sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, Indonesia đang nổi lên như một thị trường nhập khẩu gạo lớn (hiện nước này đã ký hợp đồng nhập từ VN 1,75 triệu tấn gạo) làm giá thị trường được củng cố. Đồng thời “Philippines sẽ sớm phải mua gạo trở lại do ảnh hưởng nặng nề bởi lụt bão và lượng hàng tồn kho đang giảm, VN sẽ là lựa chọn số 1 của nước này” - ông Phạm Văn Bảy cho biết.

Với thực tế diễn biến như vậy nên nhiều chuyên gia nhận định thị trường gạo chia làm hai phân khúc là gạo cấp thấp, giá rẻ với nguồn cung từ Ấn Độ và gạo cao cấp, giá cao được cung cấp từ Thái Lan và VN. Do giá gạo Thái Lan tăng quá nhanh nên VN hưởng lợi trong phân khúc gạo này, do đó giá gạo xuất khẩu và giá lúa trong nước của VN vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao cho đến tháng 6-2012.

Theo đánh giá của VFA, giá mua lúa bình quân trong chín tháng đầu năm nay đạt 6.114 đồng/kg (lúa khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu), trong khi giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân là 2.800-3.200 đồng/kg, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu là 3.760 đồng/kg.

Diễn biến giá gạo (loại 5% tấm) xuất khẩu thời gian qua Ảnh: H.T.VÂN - Đồ họa: N.KHANH

Ổn định giá gạo trong nước

Trước thông tin giá gạo thế giới có khả năng tăng mạnh và thiên tai tác động tiêu cực đến mùa màng trong nước làm giảm nguồn cung gạo, ông Nguyễn Trí Ngọc - cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - khẳng định nguồn cung lương thực trong nước vẫn ổn định và khả năng đạt khoảng 41 triệu tấn lúa trong năm 2011, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2010. Do đó, ngoài lượng gạo đảm bảo tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa để xuất khẩu vẫn đạt 7 triệu tấn như kế hoạch. Ông Ngọc giải thích vụ thu đông năm nay ở ĐBSCL có trên 600.000ha lúa nên thiệt hại 5.000ha do lũ thời gian qua ảnh hưởng không đáng kể đến sản lượng lúa vụ này. Ngoài ra theo Cục Trồng trọt, năm nay lũ lớn mang một lượng phù sa dồi dào bồi đắp cho ĐBSCL và theo thông lệ, sau mỗi vụ lũ lớn sẽ là một vụ lúa đông xuân bội thu. Nhiều khả năng đầu năm 2012 người dân trồng lúa lại được mùa, được giá.

Ông Phạm Văn Bảy cũng khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo những tháng cuối năm là bình ổn thị trường gạo trong nước. Bởi giá xuất khẩu gạo tăng kéo theo giá lúa tăng sẽ có lợi cho nông dân, nhưng nếu giá quá cao sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Văn Bảy, ngoài lượng tồn kho để gối đầu quý 1-2012 ở mức 0,8-1 triệu tấn trong các kho của doanh nghiệp lương thực, các đơn vị đã đăng ký tham gia bình ổn đều phải tạm trữ sẵn lượng hàng cần thiết để đưa hàng ra thị trường nếu nhu cầu tăng. Trường hợp giá gạo trong nước tăng cao đột biến, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở từng địa phương đều phải tung hàng ra cung ứng với giá thấp hơn giá thị trường 15%. Ngoài các điểm bán hiện có, các doanh nghiệp sẽ mở thêm điểm phân phối lương thực mới khi cần thiết. “Theo chúng tôi đánh giá, điểm nhạy cảm về thông tin sốt gạo nhất là TP.HCM đã có hai công ty tham gia bình ổn là Công ty Lương thực TP.HCM và Công ty Vinh Phát. Nhưng khi cần thì các công ty khác từ Long An, Tiền Giang... cũng sẵn sàng đưa hàng lên thành phố” - ông Bảy nhấn mạnh.