Ông Đồng kể: “Năm 1983 xuất ngũ, ông về quê, vất vả, ngược xuôi mà không đủ nuôi 8 miệng ăn… Ngày đó HTX có một tổ đội làm nghề rèn, tôi tham gia. Khi HTX ngưng hoạt động, gia đình tôi rơi vào cảnh khốn cùng. Tôi bàn với vợ rồi mở cơ sở rèn”.
Nhờ xe đạp cày đa năng mà nhiều ND đã giải phóng được sức lao động.
“Bà con quê tôi làm đất chủ yếu bằng trâu, bò nhưng không phải nhà nào cũng có. Mỗi khi đến vụ, bà con lại tất bật thuê mướn trâu, bò. Nhà không có điều kiện thì tự cuốc đất, làm ngày làm đêm mới kịp xuống giống đúng thời vụ. Gia đình tôi cũng vậy”. Thương vợ con, ông trăn trở… Một lần, tới nhà bạn chơi, thấy chiếc xe đạp cũ bỏ ở góc nhà, ông nảy ra ý tưởng về một chiếc cày bằng xe đạp.
Với chút vốn liếng nghề rèn, ông bắt tay vào chế tạo. Năm 1985, chiếc xe đạp cày đầu tiên đã ra đời. Chiếc cày của ông có khá nhiều công năng. Chỉ cần dùng sức đẩy nhẹ của phụ nữ, hoặc thiếu niên là có thể cày, vun đất, gieo giống, xới cỏ. Làm 1 sào đất màu, riêng làm đất, rạch hàng tỉa hạt, vun hàng, xới cỏ… ít nhất phải tốn 10-15 công, sử dụng chiếc cày đa năng của ông tiết kiệm từ 5-6 công. Tiếng lành đồn xa, ND trong xã, trong huyện, trong tỉnh rồi khắp nơi từ miền Bắc đến Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long... đã tìm đến đặt hàng.
Ngoài chiếc cày đa năng, ông Đồng còn sáng chế nhiều máy móc khác phục vụ ND, như dụng cụ chọc lỗ để vào phân cho cây dứa (thơm), lưỡi cắt gốc dứa, hệ thống giúp tỉa hạt tiết kiệm công lao động...
|
Một ngày ông Đồng chỉ có thể làm được 2 chiếc cày hoàn chỉnh nên nhiều người phải đặt trước rất lâu. Đến ngày mùa, lò rèn của ông lại tấp nập khách vào ra. “Khi mới xuất xưởng, giá một chiếc cày chừng 50.000 – 80.000 đồng/chiếc. Số tiền này hồi ấy lớn lắm. Bây giờ, giá bán 300.000đồng/chiếc, trừ công, chi phí nguyên vật liệu khác, mỗi chiếc tôi lãi chừng 100.000 - 150.000 đồng. Mặc dù thu nhập không cao, nhưng nhờ nghề rèn mà tôi nuôi 6 đứa con khôn lớn”.
Chúng tôi hỏi việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho chiếc cày đa năng của mình, ông Đồng bảo: “Chiếc cày của tôi đã có mặt ở khắp mọi nơi, nên nhiều thợ rèn “ăn cắp” mẫu mã, sản xuất hàng nhái… Phải chi có cơ quan nào hỗ trợ hoặc đỡ đầu để đăng ký thì tốt biết mấy”.