Gấp rút triển khai ứng phó với quy định mới của luật IUU trong xuất khẩu thuỷ sản sang EU
Được đăng : 03/11/2016
Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, những quy định của luật IUU của Liên minh châu Âu (EU) về chứng minh nguồn gốc thủy sản xuất khẩu sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết ngư dân, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam còn băn khoăn với quy định trên.
Loay hoay với quy định mới
Quy định của Hội đồng Liên minh châu Âu về thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (EC Regulation on IUU fishing) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2010. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Thủy sản: khả năng thực hiện quy định này ở Việt Nam hiện nay là rất khó bởi khi đưa ra quy định này, EU chưa tính hết khó khăn, thách thức đối với những nước có nghề cá quy mô nhỏ như Việt Nam. Quy định mới này cũng sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp vì hiện nay nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu thủy sản luôn thiếu hụt. Bên cạnh đó, để thực hiện đúng quy định trên, doanh nghiệp sẽ cần đội ngũ cán bộ chuyên trách về vấn đề này và từng bước tiếp cận trực tiếp ngư dân để thu mua nguyên liệu, nếu qua nhiều khâu trung gian, việc đảm bảo hồ sơ đầy đủ, theo hệ thống có thể sẽ khó khăn.
Khi được hỏi về luật IUU về đánh bắt thủy sản, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cho biết, họ đã nghe về các quy định này nhưng đến nay việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), nói: Hiện nay, một số tàu hoạt động ngoài khơi còn bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ chứ không cần về bến. Một phần cũng do nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, khó quản lý giám sát, không dễ bắt buộc họ ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đánh bắt theo quy định của EU.
Nhiều chủ doanh nghiệp chế biến thủy hải sản cũng cho biết, họ thường thu mua nguyên liệu qua chủ vựa, thương lái tại cảng cá chứ không trực tiếp thu mua của ngư dân. Không những thế, nhiều doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ nước ngoài về gia công rồi tái xuất nên khó xác định nguồn gốc từng con cá, con tôm để khai báo.
Không chỉ có sự lo lắng từ phái các doanh nghiệp, nhiều ngư dân cũng hết sức lo lắng. Từ trước đến nay, họ thường khai thác thuỷ sản ở những ngư trường không cố định, sản phẩm đánh bắt được đều do các đầu nậu, chủ vựa thu mua. Khi được hỏi về các quy định trên, hầu hết ngư dân đều tỏ ra bất ngờ: “Mấy chục năm nay, ngư dân ở đây đánh bắt trên biển có phải kê khai nguồn gốc. Khai thác được cái gì bán cái đấy, khai thác được bao nhiêu thì bán bấy nhiêu. Nếu buộc phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm đánh bắt là khó cho ngư dân". Ông Trần Văn Thành, một chủ tàu ở Nghệ An cho biết: "Việc phải ghi chép nhật trình đánh bắt cá là rất khó. Đối với những người làm nghề đánh bắt cá trên biển như chúng tôi chuyện này là khó có thể thực hiện, bởi thông thường các tàu, thuyền đều phải giấu nhau ngư trường đang khai thác".
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có khoảng 131.000 tàu thuyền. Tuy nhiên, ngư dân vẫn đánh bắt, buôn bán, vận chuyển hải sản... theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Các chuyên gia ngành Thuỷ sản cho biết, nghề cá ở Việt Nam nhỏ, lực lượng quản lý mỏng, năng lực thống kê và dự báo trong nghề còn yếu, doanh nghiệp chủ yếu thu mua nguyên liệu qua hệ thống trung gian (nậu vựa)… vì thế rất khó để thực hiện ghi chép nguồn gốc xuất xứ đầy đủ cho tất cả các lô hàng khi xuất đi. Thời điểm áp dụng quy định này quá gấp rút, khiến chúng ta không đủ thời gian để triển khai thực hiện.
Gấp rút triển khai ứng phó
EU vẫn được đánh giá là thị trường khó tính nhất, với những quy định hết sức khắt khe về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nay, thêm một rào cản mới khiến ngành thủy sản Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản rơi vào thế trở tay không kịp. Hơn thế, việc thực hiện quy định này chắc chắn sẽ nâng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm khai thác từ biển sang thị trường EU, trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương phải có quy định chặt chẽ hơn (trách nhiệm của thuyền trưởng, của doanh nghiệp khi mua sản phẩm phải kiểm tra ra sao...) và kèm theo các chế tài xử lý. Cơ quan Nhà nước thẩm quyền là Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các Chi cục tại địa phương phải có hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp, cho ngư dân về việc thực hiện quy định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa ban hành quy chế về chứng nhận sản phẩm khai thác đánh bắt đáp ứng các quy định về quản lý, nhằm giúp ngư dân và doanh nghiệp chủ động trong khai thác, chế biến theo quy định mới của EU. Việc kê khai và cấp giấy chứng nhận sản phẩm sẽ được thực hiện tại Chi cục khai thác và bảo về nguồn lợi thủy sản ở các địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: EU là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, chiếm 1/3 tỷ trọng của thủy sản xuất khẩu của cả nước. Tầm quan trọng của thị trường này là rất lớn, mỗi động thái liên quan đến quy định này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu, tác động đến hàng loạt ngư dân và lực lượng lao động trên biển. Do vậy, bắt buộc chúng ta phải thay đổi tư duy và cách quản lý để đáp ứng yêu cầu của thị trường này.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng: “Việc thay đổi tập tục đánh bắt thủy sản có từ ngàn đời nay của ngư dân không dễ. Tuy nhiên, EU hứa sẵn sàng giúp đỡ kỹ thuật và nhân lực. Tất cả tàu thuyền từ nay đến cuối năm có thể yên tâm đánh bắt. Về khâu nhật ký khai thác, không khó khăn, chỉ cần ghi lại ngày, tháng, vĩ độ là được”.
Hiện, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về số lượng doanh nghiệp thủy sản được cấp code xuất khẩu vào thị trường EU với hơn 300 doanh nghiệp. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2008, thị trường này nhập khẩu của Việt Nam 350.000 tấn thủy sản với kim ngạch 1,14 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2009, EU chiếm tới 26% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản cả nước./.