Những năm gần đây, phong trào nuôi động vật hoang dã của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có chiều hướng phát triển. Cùng với các hộ dân nuôi chồn hương, nhím, dúi, heo rừng lai…, anh Đặng Quang Minh (ở thôn 1, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) lại chọn cho mình một hướng đi khác, đó là nuôi chim trĩ. Bước đầu mô hình này đã và đang phát triển tốt.
Anh Đặng Quang Minh kiểm tra đàn chim trĩ 3 tháng tuổi
Đến thăm mô hình nuôi chim trĩ của gia đình anh Đặng Quang Minh, anh cho biết: Trước đây, ngoài trồng cà phê, gia đình anh cũng đã có thời gian gắn bó với việc nuôi heo và chim bồ câu Pháp. Do giá cám tăng ở mức cao, nên gia đình anh không tiếp tục gắn bó với việc nuôi heo. Đến năm 2011, anh bắt đầu tìm hiểu và làm quen với việc nuôi chim trĩ. Lúc đầu anh tìm mua 2 cặp chim giống về nuôi thử. Thấy chim phát triển tốt, nên anh tiếp tục tìm mua để nhân giống.
Để mở rộng mô hình nuôi chim trĩ, anh Minh đã tận dụng chuồng heo sẵn có, rồi gia cố xung quanh bằng lưới B40. Đồng thời, anh tiếp tục xuống Bình Dương tìm mua thêm 10 con chim giống để gây đàn. Theo anh Đặng Quang Minh: “Chim trĩ là loài động vật hoang dã, việc nuôi nó không quá khó khăn như mọi người thường nghĩ. Ưu điểm của loại chim này là sức đề kháng tốt, ăn ít, dễ nuôi và tỷ lệ nuôi sống cao…”. Cũng theo anh Minh, thông thường nuôi khoảng 7 tháng, chim mái bắt đầu đẻ trứng, với bình quân 80 trứng/năm. Giá trị kinh tế của loài chim trĩ khá cao. Trên thị trường, trứng chim trĩ bán với giá 30.000 đồng/trứng. Chim trĩ con mới 1 ngày tuổi có giá 100.000 đồng/con. Con chim giống giá bán từ 200 - 300 ngàn đồng/con. Chim trĩ giống sinh sản có giá 600.000 đồng/con. Riêng chim thương phẩm nuôi 4,5 tháng, trọng lượng đạt từ 1,3 - 1,5 kg, với giá thị trường từ 280 - 300 ngàn đồng/kg. Sau hơn 2 năm gây giống, từ 12 cặp chim giống ban đầu, đến nay đàn chim của gia đình anh Minh đã phát triển được 350 con.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi chim trĩ, anh Minh cho biết: “Cách nuôi chim trĩ cũng gần giống như nuôi gà. Khi chim còn nhỏ cho ăn cám như gà con; sau hơn 2 tháng tuổi, cho ăn bắp, lúa, rau xanh và bổ sung thêm cám gà thịt với số lượng ít. Chuồng trại cần phải xây dựng thoáng mát và khá kín đáo để che chắn gió, mưa, chống trộm và cần thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch”.
Theo chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn tỉnh, việc nuôi chim trĩ đang phát triển manh mún. Vì vậy, nhu cầu chim trĩ giống của những người ưa thích nuôi loại động vật này cũng khá lớn. Thời gian qua, anh Minh chỉ mới cung cấp chim giống với số lượng ít (khoảng 40 nông hộ ở Di Linh, TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm). Nhiều người muốn mua chim trĩ giống phải đặt trước vài ba tháng.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện anh Minh đang mở rộng chuồng trại. Cùng với đó, anh tập trung gây giống để vừa có đủ lượng chim đáp ứng nhu cầu chim giống cũng như chim thương phẩm cho thị trường. Hiện, anh đã hợp đồng với một số nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh để cung cấp chim thương phẩm (bước đầu khoảng 200 con/tháng).
“Mô hình nuôi chim trĩ của anh Đặng Quang Minh là một trong những hướng đi mới trong việc chuyển đổi giống vật nuôi. Hiện, mô hình này bước đầu đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Phan Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nam, đánh giá.
NDONG BRỪM