Thạc sĩ Phạm Thành Long, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) trả lời:
Quyết định số 719/QĐ-TTg ban hành ngày 5.6.2008, nêu rõ: Ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch gia súc, gia cầm (bao gồm dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở lợn và cúm gia cầm) với các nội dung và mức hỗ trợ như sau: Chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức tương đương 70% giá trị gia súc, gia cầm thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường. Cụ thể mỗi con gia cầm (bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng) khi bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ 23.000 đồng.
Nhà nước sẽ khoanh nợ trong thời gian 1 năm (cho người chăn nuôi gia cầm) đối với số dư nợ vay đến ngày công bố dịch tại địa phương mà các chủ chăn nuôi đã vay vốn các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng để chăn nuôi trước khi có dịch nhưng bị thiệt hại do dịch bệnh gia súc, gia cầm gây ra. Các tổ chức tín dụng không thu nợ lãi tiền vay phát sinh trong thời gian khoanh nợ.
Để tăng cường giúp hộ chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy, đồng thời khuyến khích chăn nuôi phát triển, ngày 23.8.2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1442/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 719/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó, gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ với mức tương đương 70% giá trị gia súc, gia cầm thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường. Cụ thể, hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm bị tiêu hủy. Trường hợp giá bán gia súc, gia cầm có sự thay đổi lớn, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NNPTNT quyết định điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với giá bán trên thị trường.
Việc hỗ trợ được thực hiện trực tiếp cho các chủ chăn nuôi (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của trung ương, địa phương và các đơn vị quân đội).