Chốt phiên này tại Sàn giao dịch nông sản Chicago, giá ngô giao tháng 12/2011 tăng 2,5 xu (0,36%) lên 6,885 USD/bushel; giá lúa mỳ giao tháng 9/2011 cũng tăng mạnh 15,25 xu (2,3%), đóng cửa ở mức 6,7175 USD/bushel. Tuy nhiên, giá đậu tương giao tháng 11/2011 lại giảm 11,75 xu (0,9%), xuống 12,9975 USD/bushel.
Mở cửa phiên giao dịch 9/8, giá đậu tương đã phục hồi chút ít, song lại giảm mạnh vào cuối phiên, khi trung tâm khí tượng Mỹ dự báo rằng tình hình thời tiết trong 10 ngày tới sẽ thuận lợi cho sự phát triển của loại ngũ cốc này, nhóm lên sự lạc quan trong giới đầu tư rằng mối đe dọa về thời tiết đối với sản lượng ngũ cốc Mỹ đã qua sau khi đợt khô hạn hồi tháng 7/2011 kết thúc. Ngoài ra, việc giá năng lượng đang “lao dốc”, khiến các nhà đầu cơ nông sản đua nhau bán tháo cũng là nhân tố đẩy giá đậu tương xuống thấp.
Braxin, nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai thế giới, đã nâng mức dự báo về sản lượng đậu tương trong niên vụ 2010-11 từ 75 triệu tấn lên mức cao kỷ lục 75,3 triệu tấn, so với mức tương ứng 68,7 triệu tấn trong niên vụ trước. Tuy nhiên, giá ngô lại được hỗ trợ bởi thông tin cho hay Braxin đã hạ dự báo về sản lượng ngô của nước này trong niên vụ 2010-11 từ 57,1 triệu tấn xuống 56,3 triệu tấn.
Ngày 8/8, báo cáo hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết 61% diện tích trồng đậu tương của nước này đang ở trong tình trạng tốt hoặc rất tốt, tăng so với mức tương ứng 60% của tuần trước và mức dự báo trước đó là 59%, trong khi chỉ có 60% diện tích ngô đang trồng được đánh giá tốt hoặc rất tốt, giảm so với mức 62% của tuần trước.
Trong khi đó, những cơn mưa dai dẳng trong vài ngày qua tại châu Âu, đáng chú ý là Đức, Anh và Pháp, quốc gia sản xuất lúa mỳ lớn nhất châu Âu, đã tác động tiêu cực tới sản lượng và chất lượng lúa mỳ của khu vực này, song lại giúp kéo giá cả tăng cao. Hơn nữa, tỷ giá đồng USD suy yếu cũng là nhân tố hỗ trợ cho giá ngô và lúa mỳ.
(1 bushel ngô, đậu tương = 25,4 kg; lúa mỳ = 27,2 kg)