00:00 Số lượt truy cập: 3076899

Giá dừa trái liên tục tăng cao ở ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016
Những tháng gần đây giá dừa khô nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao, thương lái đến tận vườn của nông dân thu mua dừa khô với giá 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái). Chẳng những giá cao, trả tiền liền mà thương lái còn ứng tiền trước cho nông dân.

Chưa bao giờ giá dừa khô nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long lại liên tục tăng cao như những tháng gần đây. Hiện nay, ở Bến Tre, địa phương có diện tích vườn dừa nhiều nhất vùng, thương lái đến tận vườn của nông dân thu mua dừa khô với giá 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái). Chẳng những giá cao, trả tiền liền mà thương lái còn ứng tiền trước cho nông dân.

Ở Trà Vinh, chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá dừa liên tục biến động theo hướng tăng. Hiện nay, trên địa bàn các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu kè, giá dừa trái lên đến đỉnh 70.000 đồng/chục (12 trái), mức cao nhất từ trước đến nay. Giá dừa khô tăng kéo giá dừa tươi cũng tăng theo, mặc dù không phải là mùa nắng nóng, nhu cầu giải khát không cao. Ông Trần Văn Hòa, đầu mối cung cung cấp dừa tươi ơ huyện Bình Minh cho biết giá dừa tươi đã lên đến 5000 – 6000 đồng/trái.

Nhà vườn ở các xã Hiếu Thành, Trung Ngãi, Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm; Tân Mỹ, Thuận Thới, huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long kể răng trồng dừa bây giờ sướng lắm, thương lái đưa ghe đến tận vườn, tự thu hoạch; nhà vườn chỉ cần xem, đếm và tính tiền.

Theo các thương lái và trung tâm xúc tiên thương mại các tỉnh thì 80% dừa trái thu mua trong vùng được bán sang Bến Tre, nơi có nhiều sơ sở chế biến cơm dừa, tơ xơ dừa, chỉ xơ dừa, than gáo dừa, than hoạt tính... và đầu mối xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp này đang cần nguồn nguyên liệu, tập trung thu mua để hoàn thành các hợp đồng đã ký năm 2010. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến bánh kẹo có liên quan đến sử dụng dừa tập trung sản xuất phục vụ tết Tân Mão năm 2011. Mặt khác, nhiều thương lái cũng đang gom hàng bán sang Campuchia, Trung Quốc; cung ứng dừa tươi cho TP.HCM, Tiền Giang, Cần Thơ,... Cả thị trường Trung Quốc cũng có sức hút lớn về dừa trái để làm thạch dừa, nấu rượu... Theo khảo sát của ngành công thương các tỉnh trong vùng, những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ, tơ xơ dừa, than hoạt tính được các nước rất ưa chuộng. Riêng bánh kẹo, mứt dừa Bến Tre được tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Quốc. Do đó, khả năng giá dừa còn có thể tăng vượt mức 80.000 đồng/chục vào những tháng cuối năm.

Nhân rộng diện tích vườn dừa

Theo tính toán của nông dân, với giá dừa như thời gian gần đây, mỗi hec-ta vườn dừa trồng cho thu hoạch từ 27.000 – 30.000trái/năm, thì tổng thu nhập khoảng 160 – 180 triệu đồng/năm, ổn định và cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Về lâu dài, theo các nhà chuyên môn thì thị trường tiêu thụ trái dừa ngày càng mở rộng. Dừa uống nước, đáp ứng cho nhu cầu giải khát ngày càng tăng, mỗi năm có thể tiêu thụ khoảng trên 200triệu trái/năm. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến đang áp dụng công nghệ khá thành công để nâng cao chuỗi giá trị của cây dừa, cho ra các sản phẩm có giá trị như: Cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, kẹo dừa, thạch dừa, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa, vỏ dừa cắt lát, mụn dừa, than thiêu kết, than hoạt tính và khoảng 100 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, trái dừa, gáo dừa, cọng dừa, được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang khôi phục, trồng mới, mở rộng diện tích trồng dừa chuyên canh hoặc trồng xen với các loại cây khác.

Cuối năm 2009, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 45.000ha dừa thì đến nay tăng lên gần 51.000ha. Trong số này có hơn 40.500ha dừa đang cho trái, sản lượng thu hoạch hơn 324 triệu trái/năm, tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm 2009. Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa, đạt hiệu quả khá cao, đặc biệt là trồng xen cây ca cao. Trà Vinh là tỉnh đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL về diện tích trồng và sản lượng dừa, với trên 13.500 ha (tương đương 2,7 triệu cây dừa), hàng năm cho sản lượng khoảng 143,75 triệu quả. Những vườn dừa xanh mát ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè những năm gần đây ngày càng mở rộng diện tích; đặc biệt, địa phương này có giống dừa sáp đặc sản cho hiệu quả khá cao. Tương tự, nhiều vườn dừa bỏ phí trước đây ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long đang dần được phục hồi, đem lại lợi nhuận ổn định nhất cho bà con nông dân, nhất là những vườn dừa có xen canh cây cacao.

Nhiều nông dân tính toán: Cây dừa có thời gian sinh trưởng và thu hoạch lâu năm, hàng mấy chục năm vẫn cho trái sum xuê và nhẹ công sức chăm sóc hơn các loại cây trái khác. Ngoài sản phẩm chính là trái để lấy cơm dừa (cùi dừa), nước uống, còn lại lá, thân, vỏ và gáo dừa cũng có thể chế biến thành hàng hoá có giá trị cao. Vỏ dừa hiện nay luôn hút hàng, có bao nhiêu vỏ dừa, các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu đều mua hết. Miễng gáo dừa để đốt thành than, làm hàng thủ công mỹ nghệ. Nước dừa (sau khi lấy cơm dừa làm mứt, bánh kẹo) trước đây đổ bỏ nay được nấu thành nước màu dừa xuất khẩu. Cọng lá dừa đan giỏ, hàng thủ công mỹ nghệ, tặng phẩm văn hóa...

Hơn thế nữa, để nâng thu nhập của vườn dừa, bà con nông dân còn trồng xen kẽ với cây bòn bon, măng cục, ca cao, những loại cây đặc sản cho thu nhập tương đương với tổng thu của cây dừa. Một lợi thế nữa, theo chị Sáu ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là cây dừa thu hoạch quanh năm, mỗi đợt cách nhau từ 1 - 1,5 tháng, quay đồng vốn nhanh, dễ tính toán dành cho chi phí của gia đình. Hiện nay, nông dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh còn chủ động phát triển nhiều giống dừa có năng suất và chất lượng cao như dừa xiêm dứa, dừa xiêm đỏ có ưu điểm chịu được phèn, mặn, cho trái có nước ngọt, vị thơm đặc trưng, phục vụ giải khát, được thị trường ưa chuộng với giá cao gấp 2 – 3 lần giống dừa thường. Đặc biệt, giống dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh có giá bán lên đến cả trăm ngàn đồng/trái nhưng sản lượng không đủ cung ứng cho thị trường. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh này đang nghiên cứu phục tráng, nhân giống loại dừa đặc sản này.

Xem ra, tính toán của nông dân khá hợp lý, nhạy bén trước tình hình thị trường tiêu thụ nhằm thu được hiệu quả cao nhất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Song nhiều nhà chuyên môn cũng khuyến cáo không nên chạy theo phong trào. Cần có thông tin đầy đủ và nhất là phải tuân thủ theo quy hoạch, hướng dẫn của ngành nông nghiệp để khỏi phải lâm vào cảnh phát triển quá mức, cung vượt quá cầu, năng suất và chất lượng không đảm bảo.