00:00 Số lượt truy cập: 3076643

Giá đường Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á 

Được đăng : 03/11/2016
Giá đường trên thị trường ở mức 24.000 đồng một kg, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đường đang lãi lớn, mức lãi có thể tới 5.000 đồng một kg.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty CP mía đường Biên Hòa, thừa nhận, nếu bán được toàn bộ lượng đường cả niên vụ này với giá hiện nay (giá bán tại nhà máy, đường RS trên 19.000 đồng một kg và trên 20.000 đồng với đường RE) thì mức lãi trên có khả năng đạt được.

Giá đỉnh trong 30 năm qua

Theo tiến sĩ Hồ Cao Việt, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, giá đường tại Việt Nam đang ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ trong vòng hai năm qua, giá đường đã tăng gần gấp đôi (từ 15.000 - 16.000 đồng lên 24.000 đồng một kg), điều mà không thấy ở quốc gia nào… Tuy nhiên, bất cập là người trồng mía không được hưởng lợi từ sự tăng giá này, diện tích mía luôn trong tình trạng thất thường.

Trong quy trình trồng mía hiện nay, nông dân chỉ hưởng lợi trên ngọn. Ảnh: Đăng Thư.

Ông Martin Todd, chuyên gia ngành hàng nông sản quốc tế (LMC Internationay), cho rằng, giá đường tại Việt Nam luôn cao hơn hẳn giá đường thế giới từ 100 đến 200 USD một tấn. Theo dự đoán của ông Martin, khung giá đường Việt Nam sẽ duy trì mức cao trên dưới 24.000 đồng một kg trong thời gian dài tới.

Giá đường thế giới hiện đạt mức đỉnh trong vòng 30 năm qua. Giá đường trắng giao dịch tại thị trường London (Anh) từ 770 đến 820 USD một tấn; về tới Việt Nam xấp xỉ 900 USD. Ông Lộc cho rằng, mức 24.000 đồng một kg trên thị trường hiện nay là hợp lý. Mức giá này đảm bảo cho doanh nghiệp và người trồng mía có lãi.

Nông dân trồng mía chưa “trưởng thành”  

Theo ông Marrtin, hầu hết các nước có sản xuất đường luôn duy trì một thực tế, là giá đường tiêu thụ trong nước luôn cao hơn giá xuất khẩu. Bởi các nước này đặt lợi ích người trồng mía lên trên, để thúc đẩy toàn ngành phát triển, nhà nước luôn có những chính sách tốt nhất hỗ trợ người trồng mía. Ngành mía đường Việt Nam lại chưa làm được điều này.

Cũng vì vậy mà dựa trên năng lực của các vùng trồng, nhiều doanh nghiệp khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự cung ứng nguồn đường tiêu thụ trong nước. Thế nhưng, hằng năm, chúng ta vẫn phải nhập một lượng đường lớn từ nước ngoài, khối lượng nhập đang tăng dần theo từng năm. Niên vụ 2010 - 2011, doanh nghiệp sản xuất chừng 1 triệu tấn đường, dự báo trong năm nay, cả nước thiếu khoảng 300.000 - 350.000 tấn. Bộ Công thương vừa tiếp tục cấp quota cho phép nhập khẩu 250.000 tấn đường, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo ngành nông nghiệp, diện tích bình quân hộ trồng mía nước ta khoảng 0,8ha/hộ. Với giá mía hiện nay, doanh thu của người trồng mía được đánh giá là cao nhất trong 30 năm qua (khoảng 40 triệu đồng một ha). “Các nhà máy đường đang trả cho người trồng mía mức giá cao, chiếm 60 - 65% giá thành đường. Tuy nhiên, người trồng mía nước ta vẫn bị coi là chưa… “trưởng thành”, vẫn ở giai đoạn “niên thiếu”, Tổng giám đốc Công ty đường Biên Hòa nói. Bởi năng suất mía quá thấp (3,5 tấn đường một ha), trong khi mức “đủ sống” cho người trồng mía phải từ 5 đến 5,2 tấn đường một ha. Ngành mía đường cần thời gian 5 - 7 năm để tổ chức lại, bắt đầu từ khâu hoàn thiện bộ giống.