Hiện giá gạo xuất khẩu vẫn đứng ở mức 1.100 USD/tấn, đây là giá mà những người trồng lúa có mơ cũng không dám nghĩ tới! Tuy nhiên, trên thực tế không ai bán lúa với giá cao hơn 5.500 đồng/kg, bà con đang kỳ vọng vào vụ hè thu tới.
Nhưng giá gạo này sẽ trụ được bao lâu, trong khi các chuyên gia lúa gạo dự báo cuối tháng 6/2008, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ “hạ nhiệt” và đây cũng là thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ hè thu ở ĐBSCL.
Giá gạo sắp đảo chiều
Chuyên gia về lúa gạo thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, khi Hoa Kỳ và Nhật Bản hành động để thay đổi cam kết song phương trong WTO, 1,5 triệu tấn gạo không sử dụng trong kho dự trữ của Nhật Bản sẽ ngay lập tức làm giảm “cơn khát” gạo trên thị trường vào cuối tháng 6 này.
Số liệu của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) công bố, lượng gạo dự trữ của châu Á trước đây là 140 triệu tấn, nhưng thời gian qua đã giảm. Năm 2007 chỉ còn 60 triệu tấn, năm 2008 nâng lên được 105 triệu tấn. Theo bảng giá thị trường lúa gạo của FAO, dự báo đến cuối năm 2008, giá gạo thế giới sẽ bị giảm xuống còn khoảng 500-550 USD/tấn do năm nay dự trữ lương thực của châu Á đã tăng mạnh.
Thực tế giá gạo trên 1.100U SD/tấn chỉ bán được cho Philippines rất ít. Hiện nay giá gạo thực tế cũng chỉ xoay quanh con số 600 USD/tấn và có xu hướng giảm còn 500 USD/tấn vào cuối năm 2008? Nếu theo dự báo của FAO là chính xác thì giá lúa gạo trong nước sẽ là bao nhiêu? Nông dân trồng lúa nghèo vẫn thua thiệt!
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, lượng gạo xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2008 cao hơn 20% so với cùng kỳ năm 2007. Dự trữ gạo thế giới (không tính Trung Quốc), đạt ổn định trong 5 năm gần đây. Các yếu tố này cho thấy sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực, cũng như việc giá gạo thế giới bùng nổ.
Trong những tháng gần đây, giá gạo trên thị trường thế giới tăng quá cao, trong khi lẽ ra các yếu tố cơ bản cung -cầu của thị trường chỉ có thể tác động làm giá tăng với mức độ thấp. Trên thực tế, giá gạo tăng cao gấp 3 lần kể từ đầu năm 2008.
Thời gian gần đây, đầu cơ gạo trên thị trường gạo kỳ hạn Chicago và Bangkok tăng mạnh. Sắp tới đây, khi nguồn cung gạo mới từ các nước sản xuất lúa gạo hàng đầu như: Brazil, Uruguay, Banglandesh, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam tung ra thị trường cuối năm 2008, giá gạo thế giới sẽ ngay lập tức giảm mạnh, có thể chỉ còn từ 500 - 550 USD/tấn.
Nguồn cung dồi dào
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu đang đạt mức giá cao kỷ lục, trên 1.000 USD/tấn. Do đó, dự kiến trong tháng 5 - 6/2008, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm gần 700.000 tấn gạo, trong đó khoảng 430.000 tấn được xuất trong tháng 5 và 250.000 tấn trong tháng 6.
Bốn tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được khoảng 1,38 triệu tấn gạo, trị giá gần 600 triệu USD, trong đó có khoảng 200 tấn hàng tồn kho từ năm 2007.
Hiện nay, lượng gạo còn tồn trên cả nước khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi vụ hè thu sớm ở các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống khoảng trên 400.000 ha, dự kiến thu hoạch vào đầu tháng 6/2008. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới, theo ông Phong, giá gạo sẽ còn giữ ở mức cao đến hết tháng 11/2008.
Theo GS.TS. Bùi Chí Bữu, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, sản lượng gạo của Việt Nam sau khi trừ vào lượng gạo để ăn, gạo để đảm bảo an ninh lương thực vẫn còn dư rất nhiều.
Ở Thái Lan năm 2007 họ chỉ có 28 triệu tấn lúa mà đã xuất 8 triệu tấn gạo. Còn Việt Nam sản lượng đạt 36 triệu tấn lúa nhưng chỉ xuất chỉ có 4,5 triệu tấn gạo. Sỡ dĩ Việt Nam không dám xuất gạo nhiều vì tập quán người Việt ăn gạo nhiều. Sắp tới, khi người dân thu nhập cao thì tập quán này sẽ thay đổi, lượng gạo ăn sẽ giảm.
Hiện giá gạo đang đứng ở mức 1.100 USD/tấn, tuy nhiên, không ai bán lúa với giá cao hơn 5.500 đồng/kg, vì phần lớn dân trồng lúa chỉ “ăn trước trả sau”. Liệu giá gạo trên thị trường tốt đến bao giờ khi mà thế giới đang bàn cách “hạ nhiệt” giá cả?
Giá gạo thế giới tăng, Chính phủ yêu cầu giảm xuất khẩu để kiềm giữ giá lúa trong nước, VFA liền thông báo đến các thành viên không ký hợp thêm đồng xuất khẩu gạo đến hết tháng 6/2008 để đảm bảo an ninh lương thực. Ngay lập tức giá lúa trên thị trường ĐBSCL tuột dốc, khiến hầu hết người trồng lúa lo lắng.
Nếu như giá gạo trên thị trường thế giới sẽ giảm vào cuối tháng 6 như dự báo, kéo theo giá lúa trong nước giảm theo, trong khi vật tư đầu vào cho cây lúa tăng chóng mặt thì đời sống của nông dân trồng lúa sẽ ra sao? Đây là câu hỏi mà hầu hết người trồng lúa muốn biết.