Giá gạo: vùng gần thấp hơn vùng xa
Tại TP.HCM, giá gạo ở các chợ hiện vẫn cao hơn trước thời điểm tăng giá 3.000-5.000đ/kg. Gạo nàng thơm Chợ Đào: 16.000-18.000đ/kg (trước là 11.000đ/kg), trắng Long An 15% tấm: 11.000đ/kg (trước là 8.200-8.400đ/kg)... Giữa các điểm bán gạo giá chênh lệch nhau 1.000-3.000đ/kg dù cùng loại gạo. Vùng càng xa trung tâm giá cũng cao hơn. Tại chợ Tân Định (Q.1), gạo nàng thơm Chợ Đào giá niêm yết là 17.000đ/kg, trong khi ở các chợ vùng ven là 18.000-19.000đ/kg. Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), giá gạo giữa các sạp cũng có sự khác biệt.
Hệ thống siêu thị như Co-op Mart vẫn bán đúng giá như cam kết (từ 10.800-11.300đ/kg), vì vậy người dân đã chuyển vào mua gạo tại đây thay vì các điểm bán lẻ ở chợ.
Theo ông Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, giá gạo đang ở mức cao do giá gạo thế giới cao, sắp tới giá gạo sẽ giảm nhưng khó quay về mức ban đầu trước khi tăng. "Một phần cũng là tâm lý người Việt đã lên thì rất khó xuống" - ông nói.
Chất lượng gạo: chỉ có người bán biết
Theo ông Lê Văn Bảnh, để mua được gạo ngon, đúng chất lượng, người dân nên tìm mua gạo có thương hiệu, được đóng gói cẩn thận. Với những gia đình có thói quen mua gạo tại các điểm bán lẻ thì nên chọn cho mình mối quen hoặc các đại lý gạo đầu mối, tỉ lệ pha trộn ít hơn. |
Theo ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu - chợ đầu mối gạo lớn nhất hiện nay tại TP.HCM, hiện có nhiều loại gạo được bán tại đây tuy nhiên chất lượng không ai kiểm soát. Người mua chỉ biết nhìn vào bảng giá, tên gạo được người bán niêm yết trên bao gạo. Hoạt động mua bán gạo chủ yếu dựa theo mối quen, lòng tin của người tiêu dùng với người bán.
Ông Lê Văn Bảnh cho biết việc trộn loại gạo rẻ hơn vào gạo mắc tiền là không mới. Cho đến nay vẫn chưa có ai thực hiện kiểm tra chất lượng gạo bán ra trên thị trường. Ngay cùng chủng loại gạo đã chia ra rất nhiều loại khác nhau... rất khó cho người tiêu dùng nhận biết chính xác.
Gạo cấp thấp có ra thị trường?
Mặc dù các công ty lương thực đều cho rằng không có chuyện doanh nghiệp bán gạo tồn kho cho các siêu thị. Thế nhưng gạo chất lượng thấp vẫn xuất hiện trên thị trường. "Khi cơn sốt giá gạo bất ngờ xảy ra, các siêu thị và đầu mối kinh doanh gạo cần hàng nên đặt mua cả các loại gạo cấp thấp, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng TP.HCM là các loại gạo cao cấp..." - ông Trương Văn Ảnh, giám đốc Công ty Lương thực Long An, nói. Ông Ảnh cho biết những chủng loại gạo được tiêu thụ chính tại TP.HCM từ trước đến nay là loại gạo 5% tấm hoặc các thương hiệu như nàng thơm, tài nguyên, hương lài…
Riêng loại gạo 25% tấm - gạo chất lượng thấp - chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Thế nhưng trong đợt "sốt gạo" vừa qua, đơn vị này đã được một hệ thống siêu thị đặt hàng khối lượng lên tới 60 tấn gạo 25% tấm, sau đó đề nghị đổi lại gạo 5% tấm do bị người tiêu dùng... chê.
Tương tự như vậy, ông Trương Chiếu Bảng - giám đốc Xí nghiệp lương thực Sài Gòn-Satake - cho biết ngoài loại gạo 5% tấm, hiện đơn vị này được một số siêu thị đặt hàng loại gạo 25% tấm. Mức chênh lệch giá giữa hai loại gạo này là 1.000đ/kg, trong đó gạo 25% tấm được đơn vị này cung cấp cho siêu thị với giá 9.600đ/kg (gồm cả thuế và bao bì).
Theo các doanh nghiệp, giá bán các loại gạo chất lượng cao như nàng thơm Chợ Đào, nàng thơm Đài Loan, tài nguyên... chỉ dao động ở mức 12.000-15.000đ/kg, cá biệt có loại gạo hương lài lên tới 17.000đ/kg, nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng có thể bị đẩy lên cao hơn.