Giá gạo khó tăng đột biến
Được đăng : 03/11/2016
Không bao lâu nữa nông dân ĐBSCL lại bắt tay vào thu hoạch lúa hè thu. Vậy làm thế nào để tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân, với mức giá đảm bảo có lãi 30% như chỉ đạo của Chính phủ? PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN xung quanh vấn đề này.
Ông Bảy cho biết:
Tính đến thời điểm này chúng ta đã ký hợp đồng xuất khẩu được hơn 4,3/6 triệu tấn gạo theo kế hoạch năm 2010. Ngoài hợp đồng tập trung của Chính phủ, riêng trong tháng 4 và tháng 5, các doanh nghiệp đã ký với các đối tác được 1,3 triệu tấn theo hợp đồng thương mại. Hiện thị trường thế giới vẫn có nhu cầu rất lớn về gạo VN, cụ thể như Irắc, các nước ở khu vực châu Phi… Về giá xuất, dù có tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hiện vẫn ở mức thấp. Nhận định thời gian sắp tới giá trên thị trường thế giới sẽ ấm dần lên, tuy nhiên rất khó xảy ra hiện tượng tăng cao đột biến như đã từng diễn ra.
- Vậy khó khăn mà chúng ta đang gặp phải là gì?
Khó khăn lớn nhất hiện nay là sự cạnh tranh gay gắt về giá giữa các nước xuất khẩu, làm cho giá cả luôn có chiều hướng đi xuống. Có thể nói, nếu xét về lượng xuất khẩu của nước ta đến thời điểm này thì tương đối tốt nhưng về giá cả thì lại chưa được như mong muốn. Sắp tới chúng ta chuẩn bị lại có thêm một lượng lớn lúa hàng hóa từ vụ hè thu. Đây là vụ lúa có giá thành sản xuất cao nhất trong năm nhưng chất lượng gạo lại kém. Thời gian thu hoạch rộ thường rơi vào khoảng tháng 7, 8 là thời điểm thị trường đầu ra có nhiều bất lợi. Vì vậy, để đảm bảo tiêu thụ hết lúa hàng hóa với mức giá đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất là 30% thì tốt nhất là phải mua tạm trữ. Đồng thời chúng ta cần giữ lại một lượng lúa từ vụ đông xuân để pha trộn nhằm đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, cái khó là việc mua dự trữ cần phải có vốn lớn. Trong trường hợp thị trường đầu ra tốt thì doanh nghiệp có thể đảm đương được. Nhưng nếu gặp bất lợi rất cần chính sách hỗ trợ về tài chính của Chính phủ để giúp doanh nghiệp có điều kiện thu mua tạm trữ.
- Hiện một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm, vậy Hiệp hội đã đưa ra giá thu mua?
Chúng tôi đang chờ đợi giá thành sản xuất lúa hè thu từ UBND các tỉnh, thành trong khu vực và Bộ Tài chính, trên cơ sở đó để đưa ra mức giá doanh nghiệp thu mua cho nông dân. Đảm bảo, mức giá thu mua sẽ bằng giá thành sản xuất, cộng với 30% lợi nhuận. Trong trường hợp thị trường tốt thì việc giữ giá thu mua là không khó. Nhưng trong trường hợp giá thị trường xuống thấp, doanh nghiệp thu mua có thể bị lỗ thì nhà nước cần phải có chính sách tài trợ.
- Được biết, từ đầu năm đến nay đã có trên 100.000 tấn gạo của VN bị đối tác phá bỏ hợp đồng, chúng ta có quá lo ngại?
Đây là vấn đề bình thường trong thương mại hiện nay. Dù hợp đồng đã được ký kết nhưng do một trong hai bên gặp khó khăn họ có thể hủy hợp đồng và thỏa thuận một khoản tiền bồi thường nào đó. Và đây là ký kết giữa doanh nghiệp và đối tác thì 2 bên phải tự xử lý, Hiệp hội không can thiệp. Với số lượng trên 4,3 triệu tấn gạo đã được ký kết và chúng ta đã giao được 2,3 triệu tấn thì con số trên 100.000 tấn gạo bị hủy hợp đồng không phải là tỷ lệ cao. Tôi có thể khẳng định việc hủy hợp đồng ở đây hoàn toàn không phải là do chất lượng hạt gạo của VN kém. Mà nguyên nhân có thể là do tác động của diễn biến thị trường (chẳng hạn hợp đồng được ký kết với mức giá quá cao, giờ giá giảm) hoặc do năng lực tài chính của các bên không đủ để thực hiện… Vì vậy, vấn đề này không gây ảnh hưởng gì nhiều đến hình ảnh, uy tính của hạt gạo VN.
- Xin cảm ơn ông!